“Cánh tay nối dài” dẫn vốn chính sách đến với người nghèo

08/06/2022
(VBSP News) Cùng với cán bộ tín dụng, những năm qua, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, xóm trên chính là những “cánh tay nối dài” của NHCSXH trong thực hiện tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
hoa binh

Bà Nguyễn Thị Viên (ngoài cùng bên phải) - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thanh Định, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc cùng cán bộ tín dụng chính sách gặp gỡ, tuyên truyền đến tổ viên về các chính sách mới

Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, xóm được biết có những ông, bà Tổ trưởng đã gắn bó hàng chục năm với tín dụng chính sách. Khi cần thông tin về hộ vay vốn sử dụng hiệu quả vốn vay hay hộ vay mới, hộ vay cũ, hộ đang có nhu cầu tiếp cận cứ gặp Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tất cả thông tin về công tác tín dụng chính sách thì Tổ trưởng đều nắm rõ. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn chính sách cũng tâm sự rằng, nhờ Tổ trưởng mà họ mới được tiếp cận vốn chính sách, có động lực phát triển kinh tế để có tiền trả lãi hàng tháng và hơn hết là thoát nghèo.
Trước đây, khi chưa có vốn vay ưu đãi của NHCSXH, đời sống của bà con xóm Thanh Định, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc còn nhiều khó khăn. Đến nay, xã Thanh Định đã có nhiều đổi khác, với đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, những căn nhà cấp 4 tạm bợ ngày nào nay được thay thế bằng nhà xây mái bằng kiên cố. Bà Nguyễn Thị Viên - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Thanh Định chia sẻ: “Khi được vay vốn NHCSXH, bà con đã sử dụng vốn hiệu quả, phát triển kinh tế nên đời sống khấm khá hơn trước nhiều”. Bà Viên là người đã gắn bó với tín dụng chính sách suốt nhiều năm qua. Tổ do bà quản lý có 34 tổ viên, với tổng dư nợ khoảng 1 tỷ đồng.
Theo bà Viên, những năm qua, đồng vốn chính sách đảm bảo đến đúng đối tượng thụ hưởng, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả nên chất lượng tín dụng của tổ luôn được duy trì, nâng cao, không có nợ quá hạn, nợ khoanh, lãi tồn đọng; hộ vay có thu nhập để trả nợ, trả lãi hàng tháng. Bên cạnh đó, Tổ trưởng cũng có “mẹo” riêng để thu nợ hiệu quả. Vào ngày mùng 5 hàng tháng, Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp để tuyên truyền về các chính sách mới, đồng thời đôn đốc tổ viên trả lãi. Đối với các khoản vay đến kỳ hạn tất toán, bà Viên thông báo cho hộ vay trước 1 tháng để họ chủ động.
Đã gắn bó nhiều năm với công việc “không chuyên” này, bà Bùi Thị Nhị - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tiềng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong vui mừng khi thấy cuộc sống của bà con có đổi thay nhiều, nhất là những hộ đã được vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Theo bà Nhị, trước đây, dư nợ chủ yếu là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều bà con trong xóm đã thoát nghèo, xã cũng đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới nên dư nợ chủ yếu của tổ là chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn. Từ đầu năm đến nay, bà Nhị cùng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn các xóm tuyên truyền đến tổ viên các chương trình cho vay về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
“Là Tổ trưởng, chúng tôi có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới để tổ viên nắm bắt được, hướng dẫn họ thủ tục để vay vốn. Có thể nói, vốn vay ưu đãi của NHCSXH có vai trò rất quan trọng đối với người dân. Nhiều hộ được vay chương trình hộ nghèo, sau thoát nghèo tiếp tục được vay thêm các chương trình khác để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mới đây nhất là chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đây là nguồn vốn rất quý đối với người dân để vượt lên những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra”, bà Nhị chia sẻ. Nhờ sự sát sao, nhiệt tình của bà Nhị mà Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tiềng không có nợ xấu, chất lượng tín dụng được củng cố, nâng cao.
Theo báo cáo của NHCSXH chi nhánh tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh có 2.484 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó, trên 98% tổ xếp loại Tốt, Khá. Chi nhánh tiếp tục triển khai các giải pháp để kiện toàn, củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua đó, truyền tải kịp thời vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần thiết thực trong bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh Viết Đào

Các tin bài khác