Bến Tre cho vay vốn phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

31/05/2022
(VBSP News) Ngay sau khi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, NHCSXH chi nhánh tỉnh Bến Tre đã thông tin rộng rãi 4 chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân trong tỉnh để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
ben tre

NHCSXH giải ngân vốn cho các khách hàng

4 chương trình tín dụng ưu đãi
Ngày 18.2.2022, UBND tỉnh Bến tre đã ban hành Văn bản số 845/UBND-KGVX, chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với các Sở, ngành, UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương các cấp tích cực tuyên truyền các chương trình tín dụng ưu đãi để khôi phục và phát triển kinh tế cho các đối tượng thụ hưởng; chủ động rà roát, tổng hợp nhu cầu vay vốn, báo cáo NHCSXH tỉnh để sớm được phân bổ nguồn vốn.
Theo kết quả rà soát, nhu cầu vốn của 4 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) là 646 tỷ đồng, gồm: cho vay nhà ở xã hội 32 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 603 tỷ đồng; cho vay HSSV mua thiết bị học trực tuyến 10 tỷ đồng và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 1 tỷ đồng.
Trên cơ sở đề nghị, tỉnh Bến Tre đã được Trung ương giao chỉ tiêu năm 2022 cho 4 chương trình là 52,5 tỷ đồng. Đến ngày 28.5.2022, đã giải ngân 940 khách hàng vay vốn với số tiền 36,3 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch; trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 100% kế hoạch. Các chỉ tiêu cho vay còn lại như: cho vay HSSV mua máy tính đạt, cho vay nhà ở xã hội, cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phấn đấu hoàn thành trong tháng 6.2022.
Tiếp tục rà soát nhu cầu
Đại diện Cơ sở mầm non Búp sen xanh, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre đã đến làm hồ sơ vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thuộc Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Cơ sở được vay tiền với lãi suất chỉ bằng 1/3 so với lãi suất ở ngân hàng thương mại. Lãi suất cho vay là 3,3%/năm, thời hạn vay tối đa 36 tháng. Mức cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục. Tối đa 200 triệu đồng/trường mầm non dân lập, tư thục, tiểu học tư thục.
Với 50 triệu vốn vay, chủ cơ sở mạnh dạn tái đầu tư, khởi động lại cơ sở sau gần 1 năm nghỉ hoàn toàn do dịch bệnh. Số tiền này dùng để mua dung dịch khử khuẩn, phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19, mua đồ dùng học tập, trang thiết bị mới, chuẩn bị đón trẻ vào năm học 2022 - 2023, đảm bảo lương cho nhân viên an tâm trở lại công việc. Dù chỉ mới khởi động hoạt động khoảng 10 ngày trở lại đây, Cơ sở mầm non Búp sen xanh đã đón khoảng 10 trẻ đến học, dù số lượng trẻ hiện tại chỉ bằng 30% so với trước khi có dịch COVID-19. Tín hiệu này cho thấy, không ít phụ huynh đang sắp xếp gia đình bằng cách gửi con đi học để quay lại với công việc.
Nhu cầu vay vốn để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của người dân trong tỉnh Bến Tre tương đối lớn. Hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, lập danh sách nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, kiến nghị NHCSXH Trung ương bổ sung nguồn vốn, nhất là nguồn vốn hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. UBND tỉnh cũng chỉ đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác kiểm tra sau khi giải ngân, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Bài và ảnh Thạch Thảo

Các tin bài khác