Thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn ưu đãi

07/06/2022
(VBSP News) Trong 5 năm qua, chính sách tín dụng ưu đãi do NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Bình triển khai đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 3,5% (năm 2021).
IMG_2885

Nguồn vốn chính sách giúp các hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, phục hồi kinh tế sau đại dịch

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Bình trong việc phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp ngành, tham gia thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được tích cực huy động, đáp ứng nhu cầu vay vốn để sản xuất, phát triển kinh tế của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Bình, Trần Văn Tài cho biết: Trong những năm qua, chi nhánh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của NHCSXH Trung ương, của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, tạo điều kiện tối đa cho NHCSXH huy động các nguồn lực tài chính về một đầu mối, trong đó chú trọng khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa phương. Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH đạt 127,1 tỷ đồng, tăng 110,5 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị.
Xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa với 776/927 hộ dân trong xã là khách hàng của NHCSXH, đã sử dụng hiệu quả hơn 17 tỷ đồng vốn ưu đãi để đầu tư trồng rừng, thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi. Tiêu biểu là gia đình chị Hồ Thị Xanh - hình mẫu để người dân địa phương học tập về mô hình phát triển kinh tế. Khởi đầu 40 triệu đồng vốn tín dụng dành cho hộ nghèo, chị đã cải tạo đất để trồng rừng và phát triển chăn nuôi bò. Đến nay, gia đình chị đã sở hữu 10 con trâu, 5ha rừng tràm và làm được bằng một căn nhà gỗ khang trang, rộng rãi, vươn lên thoát khỏi hộ nghèo. Hay như gia đình anh Cao Xuân Lực - hộ nghèo của xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa sau 2 lần vay vốn ưu đãi đã phát triển 2ha rừng keo lá chàm và nuôi cặp trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, cuộc sống ổn định nên anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tự mình thoát nghèo trên mảnh đất quê hương.
Với nguồn vốn lớn cùng mạng lưới rộng khắp, NHCSXH chi nhánh tỉnh Quảng Bình đã chủ động đổi mới quy trình thủ tục cấp tín dụng chính sách, chuyển tải đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, NHCSXH chi nhánh tỉnh cùng NHCSXH các huyện, thị xã vừa tăng cường phòng chống dịch bệnh, vừa huy động vốn nhanh, chuyển vốn kịp thời xuống 151 Điểm giao dịch xã để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, từng gia đình đối tượng chính sách, giúp nhân dân khôi phục sản xuất, hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương tái sản xuất cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chi nhánh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, chỉ đạo các đơn vị rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó, tập trung vào các chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chương trình nhà ở xã hội; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chương trình HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa có máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trong giai đoạn dịch COVID-19; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch…Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt nhu cầu vốn 5 chương trình trên của giai đoạn 2022 - 2023 với số tiền 1.246 tỷ đồng.

Đông Dư

Các tin bài khác