Vốn ưu đãi về vùng khó, giúp hộ nghèo vươn lên làm giàu

22/03/2022
(VBSP News) Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có đời sống khá giả hơn nhờ vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư nuôi lợn rừng đặc sản, nuôi bò lai và trồng cây ăn quả.

Mô hình trang trại nuôi lợn rừng của anh Cao Sông Danh ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch

Mô hình trang trại nuôi lợn rừng của anh Cao Sông Danh ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch

Đầu tư nuôi lợn rừng đặc sản

Mô hình trang trại tổng hợp nuôi lợn rừng đặc sản, nuôi cá, trồng rừng của anh Cao Sông Danh ở thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch là điểm sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Anh Danh cho biết: “Là thanh niên trẻ, tôi rất muốn xây dựng và phát triển kinh tế trên quê hương. Chính vì vậy, tôi đã mạnh dạn đấu thầu hơn 4,5ha diện tích đất vùng gò đồi ở thôn Hướng Phương để mở rộng trang trại sản xuất”.

Ban đầu, nguồn vốn còn eo hẹp, anh Danh chỉ đầu tư mua 4 con lợn rừng về nuôi thử. Anh chọn chăn nuôi lợn theo hình thức tự nhiên, chuồng trại không cần xây bao bọc, chỉ đơn giản là rào lưới sắt xung quanh, thức ăn chủ yếu là cây cỏ quanh vườn nhà. Sau một thời gian, nhận thấy lợn rừng phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, thị trường tiêu thụ rộng mở, anh Danh quyết định mở rộng quy mô nuôi lợn rừng.

Được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Quảng Trạch cho vay 50 triệu đồng, anh Danh đã cải tạo chuồng trại, đầu tư mua thêm lợn rừng giống và chăn nuôi tổng hợp. Bình quân, mỗi năm, anh xuất bán gần 100 con lợn rừng thương phẩm. Cùng với nuôi lợn rừng, anh Danh đào 3 ao nuôi cá và nuôi hàng trăm con gà chọi. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 3ha rừng tràm và bạch đàn. Mỗi năm, từ mô hình trang trại tổng hợp, anh Danh thu lãi hơn 350 triệu đồng.

Giống như anh Danh, anh Nguyễn Trường Giang ở thôn 4 Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa cũng có thu nhập khá giả nhờ vay vốn ưu đãi. Anh Giang cho biết, năm 2018, anh được Hội Nông dân xã bình xét, tín chấp vay vốn NHCSXH với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà.

Nguồn thu từ chăn nuôi gà, anh Giang tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để chăn nuôi lợn, trâu, bò, đào ao thả cá và trồng cây ăn quả. Hiện nay, mô hình của anh Giang có 500 con gà, trên 20 con lợn, 3 con trâu, bò và hồ nuôi cá trê, cá trê phi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Giang thu lãi từ 70 - 100 triệu đồng.

Đưa vốn ưu đãi về tận bản

Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Cao Xuân Hòa ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa chăn nuôi bò lai đem lại thu nhập ổn định. Ông Hòa cho hay, trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo của xã, vợ chồng ông không có công ăn việc làm, nhà lại đông con nên cuộc sống hết sức khó khăn. Năm 2017, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện, ông đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay ban đầu, ông Hòa đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống.

Hiện tại, gia đình ông đang nuôi 10 con bò lai, cho thu nhập ổn định 40 triệu đồng/năm. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi bò lai, mới đây ông Hòa đã vay thêm 20 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện để mở rộng quy mô chuồng trại.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Minh Hóa Hồ Hải Dương cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở tất cả các thôn, xóm của 15 xã, thị trấn trong toàn huyện. Đặc biệt, nguồn vốn vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn ở 4 xã biên giới đã phát huy tốt hiệu quả….

Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, năm 2021, mặc dù thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách đã nỗ lực chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi về 151 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; phân bổ tới 1.724 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, giúp người dân có vốn kịp thời khôi phục, phát triển kinh tế gia đình, ổn định, nâng cao cuộc sống. Tính đến 31.12.2021, tổng dư nợ vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đạt 3.694 tỷ đồng.

Bài và ảnh Đức thịnh

Các tin bài khác