Kết nối tín dụng chính sách với người dân

17/03/2022
(VBSP News) Các Tổ tiết kiệm và vay vốn là đầu mối dẫn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đến các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động sâu rộng, hiệu quả của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp chi nhánh nâng cao hiệu quả trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
TNB-50835-01

Hoạt động hiệu quả của các Tổ tiết kiệm và vay vốn góp phần nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách

Kênh dẫn vốn hiệu quả
Bà Đỗ Thị Bích Hà - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà Nam, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên đang quản lý 42 hộ vay vốn với dư nợ hơn 2 tỷ đồng đều xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả như nuôi trồng thủy sản, buôn bán, tạp hóa, chăn nuôi, làm kinh tế vườn…
Nhờ làm ăn hiệu quả nên cả 42 hộ vay vốn đều trả nợ đúng hạn, không phát sinh nợ xấu hay rủi ro tín dụng chính sách. Lúc đầu, bà Hà còn bỡ ngỡ về nghiệp vụ nhưng được hướng dẫn của cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Duy Xuyên và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duy Vinh nên đã quen dần. Bà tổ chức họp bình xét hộ vay vốn đúng quy trình, đúng đối tượng, khi NHCSXH giải ngân vốn vay thì theo dõi và hướng dẫn người dân sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duy Vinh Huỳnh Thị Thu Phương cho biết: Nhờ sự tận tâm, trách nhiệm của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nên công tác quản lý nguồn vốn của hội được thuận lợi, tránh thất thoát vốn vay. Dấu ấn của các Tổ trưởng là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động về tính nhân văn, ưu việt của tín dụng chính sách, đưa vốn đến đúng hộ cần, trao đổi thường xuyên với họ để xây dựng mô hình kinh tế, vận động tổ viên trả nợ đúng hạn.
Đến nay, cả 12 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý với 550 hộ vay vốn, với dư nợ 20 tỷ đồng đều trả lãi và trả nợ gốc đúng phân kỳ. Ngoài ra, người dân còn gửi tiết kiệm để xoay xở nếu không may gặp khó khăn trả nợ lần sau.
Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Duy Xuyên Nguyễn Bá Tùng cho biết: Trên địa bàn huyện có 275 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, xã. Trong đó 268 Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại Tốt, 7 tổ còn lại đạt loại Khá. Khi các Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại Tốt và Khá có nghĩa là nguồn vốn phát huy hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và chất lượng tín dụng đạt, an toàn nguồn vốn.
Nâng cao hiệu quả ủy thác

TNB-50835 (1)

Bà Đỗ Thị Bích Hà giao dịch với cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Duy Xuyên

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 3.453 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có đến 3.370 tổ đạt loại Tốt (tỷ lệ 97,6%). Nhờ phát huy vai trò kết nối tín dụng chính sách đến người dân của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, doanh số cho vay 2 tháng đầu năm 2022 đạt 292 tỷ đồng với gần 7 nghìn lượt khách hàng vay vốn, qua đó nâng tổng dư nợ tín dụng chính sách đến hết tháng 2.2022 đạt 5.632 tỷ đồng với 130.999 khách hàng còn dư nợ.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam sẽ bổ sung vốn đến các Tổ tiết kiệm và vay vốn để đáp ứng nhu cầu vay mới của người dân. Dự lường, tránh phát sinh hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cần giám sát, tuyên truyền vận động người dân chú tâm làm ăn ở quê nhà sau khi vay vốn chính sách. Hiện tất cả Tổ tiết kiệm và vay vốn đều hoạt động dưới sự quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Trần Thị Minh cho biết sẽ chú trọng hơn nữa công tác phối hợp, ủy thác cho vay tín dụng ưu đãi giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội. Phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo, cần mẫn của các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh cũng như khắc phục một số hạn chế ở các tổ chưa đạt kỳ vọng. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn thực hiện thêm chức năng huy động vốn, làm giàu thêm nguồn vốn chính sách để có thể đưa vốn đến nhiều hộ hơn.

Bài và ảnh Việt Nguyễn

Các tin bài khác