Hỗ trợ đồng bào DTTS có việc làm, tăng thu nhập
Hơn 9 giờ, anh Dương Văn Mân ở khu vực Bình Lợi, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, vẫn miệt mài làm cỏ ở vườn nhãn sau nhà. Lúc trước, anh Mân có hơn 5 sào ruộng, mỗi năm trồng 3 vụ lúa, thu hoạch đủ chi tiêu trong gia đình, chăm lo cho bốn con học hành. Thấy lợi nhuận từ lúa không cao, năm 2019, anh Mân quyết định cải tạo hơn 3 sào vườn, trồng 100 cây thanh nhãn xen 200 cây hạnh. Anh Mân được địa phương hỗ trợ vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi để thêm chi phí cải tạo vườn, mua cây giống. Anh cũng chịu khó học hỏi cách trồng nhãn từ các nhà vườn lân cận, đồng thời tích cực tham gia lớp tập huấn khuyến nông kỹ thuật trồng cây ăn trái.
Sau 8 tháng chăm bón, đợt đầu tiên, anh Mân thu hoạch trên 1 tấn thanh nhãn, giá bán 45.000 - 50.000 đồng/kg. Anh Mân nói: “Năm qua, ảnh hưởng dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiêu thụ khó khăn, giá nhãn giảm còn 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí sản xuất, tôi cũng có lợi nhuận tuy không nhiều nhưng cầm cự được, chờ mùa thu hoạch tới”.
Hàng hóa đa dạng, dồi dào, giao thông thuận tiện đường bộ, đường sông, tiệm tạp hóa của chị Huỳnh Thị Kim Liên, ở khu vực Bình Lợi, trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều khách hàng hơn 20 năm qua. Chị Liên mua bán thiệt thà, giá cả phải chăng nên việc kinh doanh ổn định, kinh tế gia đình ngày thêm phát triển.
Chị Liên cho biết: “Nhờ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, từ 5 triệu đồng tăng dần lên 50 triệu đồng, tôi bán thêm các mặt hàng tươi sống, thiết yếu phục vụ nhu cầu khách hàng. Việc mua bán thuận lợi, tôi được bà con ủng hộ, mỗi ngày thu nhập từ 150.000 -200.000 đồng”. Chị Liên còn có thói quen gửi tiết kiệm, tích lũy vốn làm ăn, mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình.
Chị Nguyễn Thị Tha - Trưởng khu vực Bình Lợi, cho biết, khu vực có 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 190 thành viên vay trên 3,6 tỉ đồng để phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Trong đó, đồng bào DTTS được phường quan tâm hỗ trợ vốn vay, hướng dẫn cách thức làm ăn phù hợp điều kiện gia đình. Tại phường Trường Lạc, các hộ DTTS vay từ 60 - 70 triệu đồng để sản xuất, mua bán nhỏ; đồng thời tham gia sinh hoạt tổ, nhóm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập.
Theo Phòng giao dịch NHCSXH quận Ô Môn, hiện dư nợ cho vay đối với hộ DTTS là 9,227 tỉ đồng, có 397 hộ còn dư nợ. Trong đó, phường Châu Văn Liêm dư nợ 5,692 tỉ đồng; phường Trường Lạc dư nợ 1,808 tỉ đồng… Huyện Thới Lai dư nợ cho vay đối với hộ DTTS trên 10,96 tỉ đồng; huyện Cờ Ðỏ trên 35,5 tỉ đồng. Trong Quý IV.2021, chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ đã giải ngân số tiền 256 tỉ đồng cho 3.547 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Trong đó, 353 hộ nghèo và đồng bào DTTS vay trên 11 tỉ đồng để phát triển sản xuất, mua bán nhỏ.
Tổng dư nợ cho vay hộ DTTS gần 70 tỉ đồng. Cùng với hỗ trợ vốn vay tín dụng ưu đãi, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác còn tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, khuyến nông trang bị kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh cho đồng bào DTTS. Qua đó, tạo điều kiện để đồng bào DTTS phát triển các ngành nghề, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả tại các quận, huyện như: nuôi bò sinh sản ở phường Phước Thới, quận Ô Môn; trồng sầu riêng ở xã Ðông Bình, huyện Thới Lai; trồng vú sữa ở xã Giai Xuân, huyện Phong Ðiền; trồng mít ở phường Tân Phú, quận Cái Răng và nuôi heo sinh sản ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Ðỏ…
Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục tham mưu UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các kế hoạch và đề án về chính sách dành riêng đồng bào DTTS; phối hợp các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu, giải ngân vốn kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS các năm tiếp theo.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết: Ðể tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó, có đồng bào DTTS, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, chi nhánh sẽ phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bài và ảnh Anh Phương
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Thông báo tuyển dụng lao động năm 2022 tại một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài cuối - Nuôi dưỡng và lan tỏa)
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 2 - Chìa khóa mở ra chân trời mới)
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 1 - Thúc đẩy bình đẳng giới)
- » Vốn vay chính sách tạo sức bật cho chị em phụ nữ
- » Hiệu quả hoạt động ủy thác vốn vay của Hội Nông dân xã Diễn Lâm
- » Tín dụng chính sách xã hội - Công cụ hỗ trợ trực diện cho phụ nữ làm giàu
- » Vai trò của phụ nữ trong công tác giảm nghèo
- » Sẵn sàng nguồn vốn chính sách cho đồng bào DTTS