Nguồn vốn ưu đãi đồng hành cùng ước mơ đến trường
Đến ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, hỏi nhà em Nguyễn Thái Kim Anh, con anh Nguyễn Văn Thanh và chị Thái Kim Hằng, mọi người điều biết đến căn nhà thấp bé, cũ kỹ nhất là nhà em ấy. Quả đúng như thế, không chỉ bên ngoài thấp bé mà bên trong căn nhà cũng không có tài sản nào giá trị để có thể cầm cố đủ tiền đóng học phí, hay mua phương tiện cho con đi học. Thế mới hiểu vì sao khi nhận được giấy báo đậu đại học, Kim Anh đã phải ngậm ngùi, tiếc nuối tự giấu thật kỹ chứ không dám xin cha mẹ cho làm thủ tục nhập học đúng lịch.
Cuộc sống của gia đình anh Thanh và chị Hằng gặp khá nhiều khó khăn, những năm trước, gia đình anh chị ở xã Trường Lưu, thị xã Hòa Thành, năm 2001, hai vợ chồng anh chị quyết định chuyễn về xã Trà Vong lập nghiệp. Chỉ có hai bàn tay trắng, anh, chị tiếp tục bắt tay vào làm thuê mướn, ai kêu gì làm đó, một thời gian dành dụm đã mua thiếu được 5m đất của người quen cho trả dần và dựng tạm ngôi nhà nhỏ để ở. Để có tiền trang trải sinh hoạt gia đình, anh Thanh bươn chải đi làm phụ hồ. Tuy nhiên, các công trình xây dựng ở nơi thôn quê này cũng không nhiều nên mỗi tháng anh chỉ làm được từ 10 - 12 ngày công, 3 triệu đồng/tháng. Còn chị Hằng đi làm giúp việc, mỗi tháng tằn tiện cũng được khoảng 1 - 2 triệu đồng, tích góp vào nuôi các con ăn học và trả tiền mua đất. Hễ ngày nào có người thuê đi, làm cỏ, chị rất mừng vì thêm được 200 nghìn đồng để chắt chiu, dành dụm chuẩn bị cho việc học của con và trả lãi vay. Thời gian còn lại, chị nhận hạt điều về cạo vỏ lụa, cả ngày lẫn đêm chị cũng chỉ thêm được 100.000 đồng nên thu nhập vẫn bấp bênh. Cũng vì cái nghèo, cái khổ mà vợ chồng anh chị không thể giúp con thực hiện được ước mơ của mình.
Năm 2018, con gái anh là Nguyễn Thái Kim Anh, sinh năm 2000, đã thi đậu vào Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, chuyên ngành Quản lý Nhà nước. Niềm vui chưa kịp đong đầy thì em đã phải đối diện với nỗi lo phải nghỉ học hoặc bảo lưu kết quả để đi làm thuê kiếm tiền theo đuổi ước mơ đại học. Gia đình không có tài sản để thế chấp, không còn nơi để vay mượn.
Trong khi đó, gia đình thiếu trước hụt sau, bản thân anh Thanh có bệnh gai cột sống, chị Hằng lại bệnh tật ốm yếu, thu nhập từ làm thuê mướn rất bấp bênh. Vì vậy khi nghe con báo tin trúng tuyển vào đại học, anh, chị vừa mừng vừa lo vì không biết lấy đâu ra tiền đóng học phí cho con. Song, nỗi lo lập tức tan biến khi gia đình được Hội Phụ nữ xã Trà Vong đến thông tin về các chính sách cho vay ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Biên, đặc biệt được hướng dẫn làm thủ tục vay vốn chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí trong học tập.
Niềm hy vọng cuối cùng đã giúp cô học trò nghèo có thể mở rộng cánh cửa đời mình, hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Ban đầu, gia đình anh Thanh, chị Hằng vay được 25 triệu đồng, qua xem xét điều kiện của gia đình anh chị vào năm học tiếp theo 2020 - 2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Biên đã giải ngân thêm 15 triệu đồng để cho việc học tập của Kim Anh ổn định. Nhờ đó, em vừa đi học, vừa đi làm để có thêm thu nhập trang trải việc học tập. Hiện nay, em Nguyễn Thái Kim Anh đã là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh.
Chị Hằng xúc động nói: “Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp con gái tôi thực hiện được ước mơ vào đại học, có một tương lai tốt đẹp hơn. Và tôi tiếp tục động viên con cố gắng học tập, tìm kiếm việc làm ổn định để cống hiến cho xã hội”. Gia đình anh chị luôn tảo tằn kiếm thêm thu nhập, sống tiết kiệm, để thực hiện đóng lãi đúng theo các quy định của ngân hàng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trà Vong Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế gia đình và hỗ trợ cho HSSV là nguyện vọng chính đáng của hội viên phụ nữ, cần được quan tâm và ủng hộ. Nhu cầu vay vốn của người dân nói chung, của hội viên hội phụ nữ nói riêng rất cao. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH huyện tăng cường công tác tuyên truyền chính sách cho vay HSSV đến người dân mà nhất là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và những hộ có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi này một cách nhanh và có hiệu quả nhất, nhằm nuôi dưỡng ước mơ đến trường cho con em hội viên.
Bài và ảnh Nguyễn Diễn
Các tin bài khác
- » Người Đảng viên tận tụy với công việc
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại Điện Bàn
- » Điểm tựa cho phụ nữ nông thôn vươn lên
- » Vốn tín dụng chính sách tiếp sức đồng bào Ca Dong ổn định cuộc sống
- » Thoát nghèo nhờ nuôi ba ba thương phẩm
- » Tín dụng chính sách trên vùng đảo ngọc Phú Quốc
- » Hỗ trợ đồng bào DTTS có việc làm, tăng thu nhập
- » Thông báo tuyển dụng lao động năm 2022 tại một số tỉnh khu vực Tây Nam Bộ
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài cuối - Nuôi dưỡng và lan tỏa)
- » Tín dụng chính sách với sự phát triển của phụ nữ (Bài 2 - Chìa khóa mở ra chân trời mới)