Hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi tại Điện Bàn

16/03/2022
(VBSP News) Thời gian qua, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về nguồn vốn giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn.
z3231056304501cfb42132fd42a4bbb7d4e21c54929d1f-16463922716752135549266

Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH thị xã Điện Bàn đã giúp hàng nghìn hộ dân xây dựng được các mô hình kinh tế vươn lên làm giàu

Tiếp vốn cho thanh niên làm giàu
Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn Võ Tấn Lũy cho biết: Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để mở rộng quy mô hoạt động, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Đặc biệt, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp sức cho nhiều thanh niên trẻ khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Chương ở xã Điện Thắng Nam với mô hình trồng nấm bào ngư; chị Lê Thị Hương ở phường Vĩnh Điện với mô hình sản xuất bột ngũ cốc Hương Bột…
Đến thăm mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Chương (33 tuổi) ở thôn Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm Huế, anh có thời gian dài làm việc tại tỉnh Gia Lai và nước bạn Campuchia. Không muốn sống cảnh xa gia đình, năm 2017, anh quyết định về quê hương khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm bào ngư.

z32081909922987151b739622699d776c72109b624feb8-16463924778812129728392

Được vốn tín dụng chính sách “tiếp sức”, anh Nguyễn Chương ở xã Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn xây dựng được mô hình trồng nấm các loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, anh bắt đầu tìm tòi trên mạng xem các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, anh Chương đặc biệt ấn tượng với mô hình trồng nấm bào ngư vì đây là loại nấm dễ trồng, dễ tiêu thụ. Ban đầu do vốn ít, nên anh chỉ sản xuất khoảng 2.000 - 3.000 bịch phôi nấm, mô hình trồng nấm ngày càng phát triển ổn định, cho năng suất. Thấy mô hình phát huy hiệu quả anh đã vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn để mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, mỗi năm anh Chương sản xuất hơn 60.000 bịch phôi nấm theo hình thức gối đầu. Hiện mỗi tháng anh bán ra thị trường khoảng 500kg nấm các loại, với giá bán giao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, ngoài ra anh còn sản xuất bịch phôi nấm bán cho bà con nông dân, với khoảng 300.000 bịch phôi nấm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí anh Chương lãi hơn 300 triệu đồng.

z32081911031315b0350cf70cc57d23ff14d843b9e5231-1646392522790389179588

Với mô hình trồng nấm bào ngư và bán bịch phôi nấm, anh Chương đã thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm

Anh Chương chia sẻ thêm, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất lớn từ chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã Điện Thắng Nam. Đặc biệt, là nguồn vốn NHCSXH đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất nấm. Theo anh Chương, nhiều nông dân trẻ như anh ban đầu khởi nghiệp khó khăn nhất là nguồn vốn. Anh thấy các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, qua đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Đồng hành cùng nông dân thoát nghèo

z3208197415697db22bd19a95d04aaca6e33cc5552e7dd-16463925917971390873154

Chị Lê Thị Hương ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn mở rộng cơ sở sản xuất bột ngũ cốc các loại từ nguồn vốn vay NHCSXH

Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình sản xuất bột ngũ cốc của chị Lê Thị Hương (31 tuổi) ở phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Chị Hương chia sẻ: Năm 2020 chị vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn để mở rộng cơ sở sản xuất bột ngũ cốc của gia đình. Đến nay, quy mô nhà xưởng có diện tích 300m², chủ yếu sản xuất các sản phẩm bột ngũ cốc, các loài trà, muối sả ớt…
Chị Hương cho biết, trung bình mỗi năm Cơ sở sản xuất Hương Bột cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí chị lãi gần 300 triệu đồng. Có được thành công như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân, chị còn được hậu thuẫn rất lớn từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn. “Nguồn vốn của NHCSXH đã giúp tôi có được nguồn vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, vốn tín dụng chính sách thật sự là “bệ phóng” để tôi và nhiều người dân vững tin khởi nghiệp, từng bước vươn lên làm giàu…”, chị Hương phấn khởi nói.
Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đã tập trung cho vay theo các chương trình, như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay hộ SXKD cho vay NS&VSMTNT…

223723e84ab4c5865ee0e0f179a0a083-1646392627775914995850

Chị Hương lãi gần 300 triệu đồng/năm nhờ mô hình sản xuất bột ngũ cốc các loại

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn Võ Tấn Lũy cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Điện Bàn để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình, nhất là ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến hết năm 2021, tổng nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Điện Bàn đạt 489 tỷ đồng, tăng 63 tỷ đồng so với năm 2020, tốc độ tăng 14,8%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 377.891 triệu đồng; nguồn vốn địa phương là 17.492 triệu đồng; nguồn vốn huy động là 94 tỷ đồng. Tổng dư nợ là 395 tỷ đồng, tăng 31 triệu đồng so với đầu năm 2021, tốc độ tăng 8,2%.

Bài và ảnh Trần Hậu - Đình Thiên

Các tin bài khác