Vốn tín dụng chính sách tiếp sức đồng bào Ca Dong ổn định cuộc sống

16/03/2022
(VBSP News) Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vận động nhiều nguồn lực, bức tranh giảm nghèo ở huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) đã có nhiều điểm sáng. Trong đó, phải nói đến sự hỗ trợ đắc lực của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức, nhờ đó mà nhiều hộ dân đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
qnam1

Tận dụng vốn vay NHCSXH, anh Hồ Văn Thám ở xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức đã xây dựng được mô hình kinh tế vườn rừng

Thu nhập ổn định nhờ vốn tín dụng chính sách
Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trương Công Anh cho biết: Thời gian qua, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra, tình trạng dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, hạn hán kéo dài đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân và hoạt động tín dụng chính sách.
Khó khăn là vậy, nhưng Phòng giao dịch luôn bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Hiệp Đức, từ đó đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hơn 5.261 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác để đầu tư phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 16 chương trình cho vay tín dụng chính sách xã hội đến 28.2.2022 là 292,75 tỷ đồng. Trong đó, 3 xã người đồng bào DTTS là 69,63 tỷ đồng, với 1.113 hộ vay vốn.
Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hiệp Đức mạnh dạn đầu tư trồng rừng, chăn nuôi, làm kinh tế trang trại vươn lên khá giả, điển hình như: mô hình kinh tế vườn rừng của hộ anh Hồ Văn Thám (xã Sông Trà); mô hình trồng keo của hộ anh Hồ Văn Xanh (xã Phước Gia)… Đặc biệt, đến nay đa số hộ đồng bào dân tộc Ca Dong đã tiếp cận được vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế trồng keo, chăn nuôi bò, dê, làm trang trại kết hợp, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

qnam2

Cơ ngơi của anh Thám gồm 5ha keo, 5 con bò và đàn dê hơn 30 con cùng ao nuôi cá

Chúng tôi cùng cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức đến thăm mô hình kinh tế vườn rừng của anh Hồ Văn Thám, dân tộc Ca Dong ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, là một tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi tại địa phương. Anh Thám chia sẻ: Năm 2014, vợ chồng anh vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức để đầu tư trồng 3ha keo, đến năm 2018 anh thu hoạch keo được hơn 100 triệu đồng; số tiền trên anh sử dụng trả tiền vay, sửa chữa lại nhà cửa, trang bị đồ dùng gia đình và trở thành hộ thoát nghèo.
Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách nên năm 2020, anh tiếp tục vay 100 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để mở rộng quy mô trang trại, đến nay gia đình anh đã có gần 5ha keo, 5 con bò và đàn dê hơn 30 con, cùng ao nuôi cá. “Với mô hình kinh tế vườn rừng như thế này, tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã khá giả hơn trước rất nhiều, nuôi con ăn học, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang…”, anh Thám phấn khởi nói. Theo anh Thám, để có được cơ ngơi như ngày hôm nay anh nhận được sự quan tâm giúp đỡ rất lớn của chính quyền địa phương. Đặc biệt, là nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho vợ chồng anh mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại.
Tiếp tục tiếp vốn cho người dân làm giàu

qnam3

Có vốn tín dụng chính sách tiếp sức, anh Hồ Văn Sư ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại

Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của anh Hồ Văn Sư ở thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức. Anh Sư chia sẻ: Để nâng cao thu nhập, năm 2020, anh đã vay 150 triệu đồng từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức để mở rộng quy mô trang trại, chủ yếu cải tạo vườn cao su, trồng keo, nuôi heo và gà. Trước đây vợ chồng anh chăn nuôi nhỏ lẻ, ngoài ra còn làm các công việc tự do khác, cuộc sống chỉ đủ ăn. “Từ ngày được NHCSXH cho vay vốn, vợ chồng tôi đã đầu tư bài bản, mở rộng quy mô trang trại, đến nay thu nhập hơn 170 triệu đồng/năm. Giờ đây gia đình đã có thu nhập ổn định, có của ăn của để. Tôi đang dự tính mở rộng thêm chuồng trại để nuôi heo đen, đặc sản miền núi huyện Hiệp Đức để nâng cao thu nhập cho gia đình…”, anh Sư vui mừng nói.
Được biết, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cùng với huyện Hiệp Đức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Huyện Hiệp Đức có 10 xã và 1 thị trấn, dân số 12.058 hộ với 47.492 nhân khẩu. Cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,43% (1.017 hộ), hộ cận nghèo 2,72% (328 hộ). Trong đó, có 3 xã đồng bào DTTS với 1.473 hộ, 6.417 khẩu; tỷ lệ hộ nghèo 22,87% (337 hộ), hộ cận nghèo 28,92% (97 hộ).

qnam4

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp hàng nghìn hộ dân huyện Hiệp Đức xây dựng được các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên thoát nghèo bền vững

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hiệp Đức Trương Công Anh chia sẻ: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu, định hướng phát triển của huyện Hiệp Đức để triển khai hiệu quả các chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đặc biệt là các Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2030 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội” của địa phương.

Bài và ảnh Trần Hậu

Các tin bài khác