Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm việc với Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa
Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền cho biết: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt hơn 11.864 tỷ đồng, tăng hơn 1.074 tỷ đồng so với đầu năm; với 247 nghìn hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay năm 2021 đạt hơn 3.668 tỷ đồng với 81,3 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng chính sách. Riêng 7 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay của chi nhánh đạt hơn 3.018 tỷ đồng, bằng 120% so với cùng kỳ năm trước; với 60,7 nghìn lượt hộ vay vốn.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã thực hiện tốt Hợp đồng ủy thác, phối hợp lồng ghép chuyển giao KHKT cùng với giải ngân vốn vay, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay; thường xuyên củng cố, kiện toàn hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; với tỷ lệ tổ xếp loạt tốt, loại khá chiếm 96,21%…
Công tác kiểm tra, giám sát cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Năm 2021, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp đã kiểm tra, giám sát tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố; 603 xã, 751 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 3.978 hộ vay vốn. Riêng 7 tháng đầu năm 2022, kiểm tra 9/27 đơn vị cấp huyện; 9 đơn vị cấp xã, 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 43 hộ vay vốn.
Trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đã giúp trên 142 nghìn lượt hộ được vay vốn với số tiền gần 6,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, gần 64 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền trên 3,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng hải sản, trồng cây ăn quả, dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ; gần 15 nghìn lượt hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn với số tiền 682 tỷ đồng để đầu tư phát triển SXKD như: mua ngư lưới cụ, nghề tiểu thủ công nghiệp, trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm; 983 lao động vay vốn để đi xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài số tiền 64,3 tỷ đồng; trên 94,7 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn đã được xây dựng với số tiền gần 1 nghìn tỷ đồng; gần 15 nghìn lao động được hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 765 tỷ đồng;…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh: Thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần đắc lực vào công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trong thời gian tới, đề nghị các đơn vị cần tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động tín dụng chính sách, nhu cầu vay vốn của khách hàng; làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn đối với các Tổ tiết kiệm vay vốn; tăng cường công tác giám sát đối tượng vay trước và sau khi giải ngân. Đồng thời, cần lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội.
Khánh Phương
Các tin bài khác
- » Thông báo tuyển dụng lao động năm 2022
- » Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân
- » Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » 20 năm đồng hành với người nghèo huyện Ba Vì
- » Chỗ dựa tin cậy của hộ nghèo ở huyện miền núi Đoan Hùng
- » Tín dụng chính sách đồng hành cùng người nghèo biên giới Lộc Ninh
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Gia Bình
- » Huyện Thanh Bình tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách
- » Hiệu quả tín dụng chính sách - Nhìn từ miền biển Thái Thụy
- » Động lực giúp Quỳnh Lưu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới