Dấu ấn 20 năm triển khai tín dụng chính sách nơi mảnh đất nghèo miền Trung

22/07/2022
(VBSP News) Ngày 4/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nhằm tách tín dụng chính sách ưu đãi ra khỏi tín dụng thương mại trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo. Cùng với sự ra đời của hệ thống NHCSXH, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh được thành lập theo Quyết định số 45/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH Việt Nam, để triển khai thực hiện nhiệm vụ cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
ha tinh

Chặng đường thoát nghèo trên mảnh đất Hà Tĩnh luôn có dấu ấn của NHCSXH

Ngân hàng vì người nghèo
Nhìn lại chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, trong giai đoạn đầu, trụ sở giao dịch từ tỉnh đến huyện, thành phố đều phải thuê mượn nhà dân, máy móc, trang thiết bị đều không có, đội ngũ cán bộ chỉ có 07 người từ Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh chuyển sang.
Cùng một lúc vừa phải nhận bàn giao hàng trăm tỷ đồng dư nợ từ Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh, Ngân hàng Công thương Hà Tĩnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, vừa phải tổ chức triển khai giải ngân kịp thời vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Song, được sự chỉ đạo và quan tâm của NHCSXH Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, sự phối kết hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, nhân viên trong đơn vị, NHCSXH tỉnh ngày càng được mở rộng và hoạt động hiệu quả. Đến nay, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã có một mạng lưới hoạt động bao gồm: Chi nhánh tỉnh và 12 Phòng giao dịch ở 12 huyện, thị xã (thành phố Hà Tĩnh do NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đảm nhiệm), với 177 cán bộ, nhân viên, hầu hết đều có trình độ đại học, cao đẳng, được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn, tâm huyết và trách nhiệm cao với công việc, đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ kể cả trước mắt cũng như lâu dài.
Đặc biệt, với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” thực hiện cho vay, thu nợ, thu tiết kiệm dân cư tại xã, thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tại nhà, NHCSXH tỉnh đã xây dựng được hệ thống Điểm giao dịch, với 216/216 điểm giao dịch tại UBND các xã, phường, thị trấn.
Đây là mô hình hoạt động đặc thù, sáng tạo riêng có của NHCSXH, là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, giúp triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, tiết kiệm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận tín dụng ưu đãi. Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi vay vốn NHCSXH ngoài được hưởng ưu đãi về lãi suất, còn được hưởng ưu đãi về phục vụ.
Về nguồn vốn, trong 20 năm qua, tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH Việt Nam, nguồn vốn ngân sách tỉnh và vốn huy động trên địa bàn, đặc biệt là huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, để có nguồn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh là 5.722,6 tỷ đồng, tăng 5.484,4 tỷ đồng và gấp 24 lần so với năm 2002 (là năm thành lập NHCSXH). Trong đó nguồn vốn cân đối từ Trung ương 4.601,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80,4% tổng nguồn vốn; vốn ngân sách tỉnh chuyển sang 187,96 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,3%; vốn huy động trên địa bàn 933,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,3%.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay tăng thêm  148,941 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt gần 188 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh còn triển khai tốt công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người nghèo làm quen và tiếp cận với hoạt động tài chính.
Về đầu tư tín dụng, khi thành lập NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh mới thực hiện 03 chương trình cho vay: Cho vay hộ nghèo, GQVL và HSSV có hoàn cảnh khó khăn, với dư nợ nhận bàn giao từ các Ngân hàng thương mại quốc doanh và Kho bạc Nhà nước là 234,1. tỷ đồng. Đến nay, chi nhánh NHCSXH Hà Tĩnh đã và đang cho vay 17 chương trình, với tổng doanh số cho vay 20 năm là 17.938,8 tỷ đồng với gần 794 ngàn lượt hộ được vay vốn; tổng doanh số thu nợ 20 năm là 12.559,8 tỷ đồng; đưa tổng dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của chi nhánh đến ngày 31/7/2022 là 5.611,6 tỷ đồng với gần 104 ngàn khách hàng còn dư nợ, tăng 5.396,6 tỷ đồng, gấp gần 24 lần so với khi mới thành lập.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, NHCSXH tỉnh luôn quan tâm đến củng cố nâng cao chất lượng tín dụng. Trong 20 năm qua, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ quá hạn tồn đọng, đồng thời ngăn ngừa nợ quá hạn phát sinh trên địa bàn, dư nợ quá hạn và nợ khoanh tại là 5,024 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,09% tổng dư nợ, trong đó: Nợ quá hạn chiếm 0,038% tổng dư nợ, nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,052% tổng dư nợ. Chất lượng tín dụng được nâng lên đã đem lại hiệu quả thiết thực cả về kinh tế và xã hội, góp phần thực hiện tốt chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, chi nhánh NHCSXH Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, nguồn vốn vay ưu đãi do NHCSXH thực hiện đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh. NHCSXH không trao “con cá” mà đã trao “cần câu” để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ nguồn vốn ưu đãi đã giúp cho hơn 60 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm cho hơn 34 nghìn lượt lao động, giúp cho hàng nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, xây dựng cải tạo trên gần 300 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng hơn 10 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo. Điển hình như gia đình ông Đào Tiến Dũng ở thôn Trung Bằng, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Giống như nhiều người dân khác ở trong thôn, trước đây gia đình ông quanh năm làm lụng vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn chẳng khá hơn là bao. Năm 2019, khi Hội Cựu chiến binh xã tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn từ NHCSXH, ông đã đăng ký vay 50 triệu đồng, cùng với số vốn tích cóp từ trước tới nay, gia đình ông đã đầu tư mua trâu sinh sản và chăn nuôi hươu. Từ 1 con trâu khởi điểm, đến nay gia đình anh đã có 3 con trâu, và 05 con hươu. Thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình anh có tích lũy để đầu tư phát triển đàn trâu, hươu. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập 80 - 100 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo mà gia đình ông còn có tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn tại NHCSXH.
Không chỉ gia đình ông Đào Tiến Dũng mà nhiều gia đình khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện cũng đã phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng…
Tiếp tục đồng hành cùng người nghèo
Ông Lưu Văn Minh - Giám đốc chi nhánh NHCSXH Hà Tĩnh cho biết: “Đạt kết quả trên, thời gian qua, NHCSXH tỉnh luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền các cấp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp NHCSXH tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả, đồng thời có sự nỗ lực, phấn đấu của tập thể cán bộ NHCSXH tỉnh và sự phối hợp của các hội, đoàn thể nhận ủy thác, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn,…”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ đó, huy động được nhiều nguồn lực thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách. Qua đó, NHCSXH xứng đáng là ngân hàng của người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết: “Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội của NHCSXH, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến tất cả cán bộ của cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống. Đồng thời, UBND tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội và quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH trên địa bàn tỉnh hoạt động thuận lợi”.
20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh góp phần giảm hộ nghèo; tạo việc làm mới cho hàng ngàn lao động; hỗ trợ hàng ngàn lượt gia đình xây dựng các công trình NS&VSMTNT… Cùng tỉnh nhà xây dựng thành công nông thôn mới theo lộ trình, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hy vọng, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục là địa chỉ tin cậy và điểm tựa vững chắc cho người nghèo và các đối tượng chính sách.

Bài và ảnh Tuấn Anh - Trần Giáp

Các tin bài khác