Chặng đường 20 năm giúp dân thoát nghèo tại huyện Hương Sơn

21/07/2022
(VBSP News) Hiệu quả của đồng vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 đã vươn phủ khắp 25 xã, thị trấn của huyện đang chứng minh tín dụng chính sách là “đòn bẩy” phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh biên giới tại một huyện ven biên.
huong son 1

Một buổi giao dịch của NHCSXH huyện Hương Sơn tại Điểm giao dịch xã

Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và NHCSXH cấp trên cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự đoàn kết nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn của tập thể cán bộ, viên chức. NHCSXH huyện Hương Sơn đã đóng góp vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện, góp phần để huyện Hương Sơn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và Quyết định số 684/QĐ-HĐQT, ngày 10/5/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH về việc thành lập NHCSXH huyện Hương Sơn. Trong 20 năm qua, người dân trên địa bàn huyện Hương Sơn, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã làm quen và gắn bó với một tổ chức tín dụng đặc thù của Nhà nước - luôn đồng hành trong xây dựng và phát triển kinh tế của mỗi hộ gia đình.
Trong suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, những ngày đầu thành lập, NHCSXH huyện Hương Sơn chỉ nhận bàn giao dư nợ của 2 chương trình tín dụng gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm với dư nợ hơn 23 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất lớn. Đội ngũ cán bộ, viên chức do mới được tuyển dụng nên còn thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị hoạt động còn thiếu thốn, trụ sở làm việc phải đi mượn,…
Đến nay, NHCSXH huyện Hương Sơn có trụ sở làm việc khang trang, trang thiết bị làm việc được đầu tư hiện đại đáp ứng yêu cầu công việc, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, đội ngũ cán bộ viên chức được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn nghiệp vụ,… Bên cạnh đó, Phòng giao dịch đã thành lập 25 Điểm giao dịch cố định tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm tạo điều kiện cho người dân đến giao dịch với ngân hàng một cách thuận lợi và tiết kiệm chi phí đi lại,…
Từ 2 chương trình tín dụng khi mới nhận bàn giao, đến nay, NHCSXH huyện Hương Sơn đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt hơn 561 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp 0,04%/tổng dư nợ, với 9.604 khách hàng đang còn dư nợ; hoạt động tín dụng chính sách đã phủ khắp 100% địa bàn các thôn xóm, tổ dân phố thông qua 319 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH huyện Hương Sơn đã hỗ trợ và giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư mua sắm các loại cây, con giống, công cụ, phương tiện sản xuất cải thiện, ổn định đời sống, với hơn 16.184 lượt hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo; 1.665 lao động được tạo công ăn việc làm; giải quyết cho 42.711 lượt HSSV hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; giúp cho các hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn xây dựng được 12.947 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa, xây dựng được 1.501 căn nhà (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và 33/2015/QĐ-TTg); tạo điều kiện cho 118 hộ được tiếp cận với nguồn vốn địa phương phát triển chăn nuôi, đầu tư SXKD, mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp 28 tiếp cận với vốn ưu đãi để xây dựng mới nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, 299 em học HSSV có tiền đầu tư mua máy máy tính và thiết bị học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Vốn vay NHCSXH đã giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi và một bộ phận hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp dần dần xóa bỏ mặc cảm tự ti, thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp tự sang sản xuất hàng hóa, tự mình thoát nghèo. Đó là lợi ích xã hội lớn nhất do các chương trình tín dụng ưu đãi đạt được trong 20 năm qua.
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm 9, xã Sơn Trường được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cam, vợ chồng ông Thắng đã mạnh dạn đầu tư trồng 2ha cam. Đồng thời, chăn nuôi thêm 4 con bò để nâng cao thu nhập. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình dần phát triển ổn định. Đời sống của gia đình ông bà ngày một nâng lên, được biết ông Thắng còn là một Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ ủy thác của NHCSXH và gương mẫu trong mọi hoạt động tại địa phương.

huong son 2

Có vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo tại huyện Hương Sơn đã đầu tư hiệu quả, mang lại thu nhập cao

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Ái ở thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ là một trong những hộ mới thoát nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng của NHCSXH. Được biết, trước đây gia đình chị được vay vốn từ chương trình hộ nghèo để phát triển sản xuất. Nhờ chăm chỉ, chịu khó nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Năm 2018, gia đình chị đã thoát nghèo và tiếp tục được vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo với số tiền 50 triệu đồng, giải quyết việc làm 50 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 3 năm tiếp cận với nguồn vốn chị đã xây dựng cho gia đình mình mô hình kinh tế hiệu quả. Chị Ái, phấn khởi chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình này, gia đình tôi đã có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình tôi rất hiệu quả. Gia đình tôi đầu tư chăn nuôi 5 bò, 2 dê, gà 100 con, thu nhập 40 triệu đồng/năm”.
Những thành quả đạt được đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội 20 năm qua trên địa bàn huyện Hương Sơn, đã cho thấy NHCSXH đóng góp vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện, góp phần để huyện Hương Sơn hoàn thành mục tiêu giảm nghèo qua từng giai đoạn. Đây là nền tảng để NHCSXH huyện Hương Sơn tiếp tục bước tiếp trên con đường phát triển, phát huy vai trò cũng như sứ mệnh của một Ngân hàng vì người nghèo và các đối tượng chính sách với khẩu hiệu hành động “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển của đất nước.

Bài và ảnh Hương Giang

Các tin bài khác