Điểm tựa sinh kế cho hộ nghèo Thường Xuân

16/07/2022
(VBSP News) Trong 20 năm phát triển, thông qua cơ chế hỗ trợ bằng tín dụng từ NHCSXH, người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) được tiếp cận dần với kinh tế thị trường, nâng cao đời sống, qua đó tăng cường và củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
image001

Cán bộ NHCSXH huyện Thường Xuân giải ngân vốn vay cho người dân tại Điểm giao dịch xã

Tạo cơ hội thoát nghèo cho người nghèo

Về huyện Thường Xuân giữa cái nắng bỏng rát, đầy nắng và gió lào đầu tháng 7 càng thấm sự gian khó của những người dân còn nhiều khó khăn đang nỗ vươn lên phát triển kinh tế. Với đặc thù huyện miền núi, địa hình khó khăn, tích lũy dân cư thấp, dù định hướng phát triển kinh tế đã được địa phương đưa ra song nó chỉ có thể hiện thực hóa khi người dân giải được bài toán vốn. Giám đốc NHCSXH huyện Thường Xuân Lê Thanh Sơn cho biết: Phương châm hoạt động của ngân hàng là không để người nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay không được tiếp cận vốn. Từ đó, dòng vốn tín dụng đã đáp ứng tại 100% đến thôn, xã, để thắp lên những nhiệt huyết lao động đổi đời. 

Gia đình anh Trần Văn Tỉnh ở thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Anh Tỉnh phấn khởi cho biết: Từ năm 2020 trở về trước, gia đình anh luôn nằm trong hộ cận nghèo của xã. Cuối năm 2020, nhận thấy chăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế, bằng nguồn vốn tích lũy và vay mượn người thân, anh đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò về nuôi nhốt (với hình thức mua bò gầy, sau 2 đến 3 tháng vỗ béo sẽ bán). Đầu năm 2021, được sự giới thiệu, hướng dẫn của Hội Nông dân xã, anh được vay 90 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện Thường Xuân. Bằng nguồn vốn này, gia đình đầu tư mua thêm 5 con bò, kết hợp trồng 7 sào cỏ voi để chăn nuôi. Để đàn bò phát triển tốt, gia đình anh Tỉnh đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc như: cho ăn đúng giờ, tiêm vắc-xin phòng bệnh, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ và được lắp quạt mát cho đàn bò vào mùa hè. Từ cuối năm 2020 đến nay, gia đình anh đã xuất bán được 15 con bò thịt, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. 

Hiện tại, gia đình anh Tỉnh đã thoát được nghèo, kinh tế phát triển. Theo anh Tỉnh, cũng nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện Thường Xuân mà gia đình mới có điều kiện phát triển sản xuất và chăn nuôi, có việc làm và mang lại thu nhập ổn định, đặc biệt là thoát nghèo bền vững. Câu chuyện vượt qua đói nghèo của gia đình anh là động lực để người dân nơi đây không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống mới và vươn lên làm giàu.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đang được huyện Thường Xuân định hướng trở thành đòn bẩy thúc đẩy thế mạnh kinh tế địa phương. Tính đến 30/6/2022 NHCSXH huyện Thường Xuân đang thực hiện 16 chương trình tín dụng, với tổng dư nợ đạt 518,4 tỷ đồng, với 10.716 khách hàng đang còn dư nợ (chiếm 46,8% tổng số hộ dân trong huyện), tăng  497,3 tỷ đồng so với khi mới thành lập. Doanh số cho vay đến nay đạt 1.373 tỷ đồng, với 66.951 lượt hộ vay vốn; doanh số thu nợ đạt 853,7 tỷ đồng. 

Bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau 

image002

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả

Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Thường Xuân được bồi đắp qua tháng năm bởi nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ cũng như sự kiên trì bền bỉ của từng cán bộ, người lao động NHCSXH trong suốt hành trình 20 năm qua. Đặc biệt, sự ra đời của 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được coi là bước đột phá bù lấp vào những khoảng trống chính sách, giảm nguy cơ tái nghèo ở những huyện miền núi khó khăn như huyện Thường Xuân. 

Là địa phương luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thiên tai, dịch bệnh; cùng với đó, kiến thức canh tác nuôi trồng của người dân còn hạn hẹp. Các chương trình tín dụng tạo dựng ngày càng thâm nhập sâu rộng không chỉ giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội nâng cao chất lượng sống mà còn giảm thiểu rủi ro như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi,…

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, NHCSXH huyện Thường Xuân đã kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, HĐND và UBND huyện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang để tạo lập nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo định hướng lớn, lâu dài. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng với việc lồng ghép vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trên cả phương diện người cung ứng vốn, hỗ trợ người dân tạo dựng sinh kế và giám sát hiệu quả nguồn vốn vay. Kết quả, tính đến 30/6/2022, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH đạt gần 9,6 tỷ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 15.340 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho gần 1.000 lao động; trên 800 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 2.900 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 26.710 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 5.117 ngôi nhà cho hộ nghèo; 6 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP  và 12 người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương ngừng việc cho 36 lượt người lao động do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. 

Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn huyện Thường Xuân giảm từ 41,42% xuống còn 20,66%; giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 20,66% năm 2015 xuống còn 4,99% năm 2021.

Quá trình 20 năm hình thành và phát triển, NHCSXH huyện Thường Xuân đã và đang thực hiện sứ mệnh của mình dù trải qua nhiều khó khăn và thách thức nhưng hoạt động tín dụng chính sách đã để lại dấu ấn mạnh mẽ và tốt đẹp trên con đường giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Đây là nền tảng, động lực để NHCSXH huyện Thường Xuân tiếp tục củng cố và phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, xây dựng ngân hàng ngày càng gắn bó mật thiệt với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển đi lên của đất nước.

Bài và ảnh Khánh Phương

Các tin bài khác