Tín dụng chính sách 20 năm đồng hành với người nghèo Lý Sơn

09/07/2022
(VBSP News) Qua 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã giải ngân hơn 115 tỷ đồng cho 25.265 lượt hộ vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
20220708163708.436

Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần ổn định cuộc sống người dân huyện Lý Sơn

Chị Phạm Thị Oanh ở Thôn Đông An Vĩnh từng là hộ một hộ nghèo, cuộc sống bữa no bữa đói, bộn bề lo toan. Nhưng năm 2015, lần đầu biết tới NHCSXH, chị được vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng hành, tỏi với lãi suất ưu đãi. Đến năm 2018 thoát nghèo, chị Oanh trả hết nợ cũ, đến năm 2020, chị tiếp tục được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm để tái đầu tư sản xuất 4 sào hành, tỏi. 

Nhờ đầu tư nguồn vốn hiệu quả, đến nay, cuộc sống của chị Oanh không còn bấp bênh như trước. “Nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện Lý Sơn với lãi suất thấp nên làm kinh tế cũng có thu nhập, đồng ý kinh tế nó còn khó khăn nhưng đỡ vất vả hơn trước”, chị Oanh chia sẻ.

Có trải qua những tháng ngày gian khổ, vật lộn với cái đói, cái nghèo mới thấm thía hơn định nghĩa của nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH. Nghèo khó, đi lại khó khăn nên đối với hộ nghèo như anh Thọ ở thôn Đông An Vĩnh với ước mong giản đơn là có được vốn để làm ăn nhưng lại trở nên xa vời. Thấu hiểu, sẻ chia, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã chắp cánh cho ước mơ đời thường của anh Thọ thành hiện thực.

Được vay 50 triệu từ chương trình giải quyết việc làm, vợ chồng anh Thọ đầu tư sản xuất nông nghiệp, kết hợp mua dụng cụ sửa xe, cũng nhờ đó cuộc sống được cải thiệt nhiều hơn. Anh Thọ, tâm sự: “Khi chưa vay vốn thì cuộc sống gia đình rất khó khăn, muốn trồng hành, tỏi cũng không có tiền mua giống, vật tư, sửa xe thì thiếu dụng cụ. Khi được vay vốn NHCSXH để đầu tư làm ăn thì thu nhập được cải thiện. Đồng tiền kiếm được tuy không nhiều nhưng cũng có thể nói là tạm đắp đổi qua ngày”.

Kinh tế biển là ngành kinh tế chủ đạo của ngư dân Lý Sơn. Hàng trăm ngư dân từng gặp không ít khó khăn về nguồn vốn để đầu tư vươn khơi mưu sinh. Sự ra đời của tín dụng chính sách xã hội đã trợ lực cho hàng trăm ngư dân đầu tư phát triển kinh tế biển. 20 năm trước, ông Ngô Đình Trung ở thôn Tây An Vĩnh khá chật vật về tiền của để góp vốn đầu tư tàu cá vươn khơi. Được sự hỗ trợ của NHCSXH huyện Lý Sơn, ông Trung đã vay 50 triệu đồng góp vốn với bạn làm ăn trên biển.

Sau 5 chu kỳ vay với dư nợ đạt 250 triệu đồng, đến nay ông Trung và bạn biển đã sở hữu con tàu cá có công suất trên 250CV cùng trang thiết bị hiện đại hành nghề thu mua hải sản và chong đèn gom cá. Nhờ nguồn vuốn tín dụng chính sách, gia đình ông Trung đã qua những ngày gian khó. “Vay được vốn của NHCSXH, tôi đã góp vốn cùng bạn biển đóng vỏ tàu cá, nhờ đầu tư hiệu quả nên trung bình mỗi tháng thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, cuộc sống gia đình cũng no đủ hơn”, ông Trung bộc bạch.

Đảo Bé, thôn Bắc An Bình nơi có hơn 100 hộ dân sinh sống. Xuất phát là một xã thuần nông, đa số người dân có cuộc sống khó khăn, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. Nhận thấy điều này, An Bình đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ du lịch để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Và nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội là đòn bẩy để người dân An Bình chuyển đổi ngành nghề. Đến nay, đã có 46 hộ dân An Bình vay vốn gần 3 tỷ đồng từ nguồn vốn ưu đãi tín dụng chính sách để đầu tư phát triển thương mại dịch vụ du lịch.

“Trước đây cuộc sống rất khó khăn, từ khi du khách đến đảo Bé thì bà con chuyển hướng làm dịch vụ. Nhờ nguồn vốn NHCSXH nên nhiều bà con ở đây có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, riêng tôi được vay 50 triệu đồng góp vốn làm ăn nên cuộc sống khấm khá hơn trước”, ông Trần Sơn ở đảo Bé tâm sự.

Để giải quyết khó khăn của người dân trong tiếp cận nguồn vốn, ngoài trụ sở giao dịch, NHCSXH huyện Lý Sơn đã mở các Điểm giao dịch lưu động tại các xã; đồng thời, ký hợp đồng ủy thác đối với các tổ chức chính trị - xã hội huyện, và hợp đồng ủy nhiệm đối với 56 Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trong những năm qua, dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội luôn có xu hướng tăng, tạo đòn bẩy để người nghèo, đối tượng chính sách phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Với nền móng đầu tiên là hai chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, qua 20 năm đã có 10 chương trình tín dụng chính sách được triển khai theo các Quyết định của Chính phủ. Với tổng dư nợ trên 115 tỷ đồng, NHCSXH huyện Lý Sơn đã giải quyết cho hơn 25 nghìn lượt hộ vay vốn.

Giám đốc NHCSXH huyện Lý Sơn Trần Văn Nam cho biết: Qua 20 năm triển khai Nghị Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Nhờ nguồn vốn này, đa số người dân đã thay đổi cách thức làm ăn, trong đó, có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều hộ đã tạo điều kiện cho con em ăn học đến nơi đến chốn, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Lý Sơn xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Ban Thường vụ Huyện ủy Lý Sơn đã chỉ đạo hệ thống chính trị quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. UBND huyện thường xuyên chỉ đạo kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, tạo việc làm cho 786 lao động, hàng nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 2 nghìn công trình vệ sinh, nước sạch được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp.

Kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đưa tín dụng chính sách xã hội thực sự đi vào cuộc sống và thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, Huyện uỷ đã chỉ đạo NHCSXH huyện Lý Sơn tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở động sản xuất, làm ăn phát triển kinh tế gia đình. Có thể khẳng định, qua 20 năm tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc biệt là hạ tỷ lệ hộ nghèo theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.

Sự tận tâm của cán bộ NHCSXH huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội để nguồn vốn ưu đãi này tiếp tục thắp sáng niềm tin và nuôi dưỡng ước mơ cho những hộ dân có khát vọng thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất tiền tiêu Lý Sơn.

Hữu Danh

Các tin bài khác