Nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn chính sách
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo
Tại quận Long Biên, Giám đốc NHCSXH quận Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận không ngừng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 20%. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách quận đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, NHCSXH quận Long Biên đã giải ngân cho vay trên 38.400 lượt hộ vay vốn, trong đó có trên 9.990 lượt hộ nghèo, trên 8.100 lượt hộ cận nghèo, gần 4.800 lượt hộ mới thoát nghèo, 378 lượt HSSV, trên 15.000 lượt lao động được vay vốn giải quyết việc làm.. Tín dụng chính sách cũng đã góp phần giảm trên 700 hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời hỗ trợ, mở rộng việc làm cho trên 38.400 lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân, ổn định và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Đinh Thị Thu Hương, qua 20 năm triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, tín dụng chính sách đã phát huy được vai trò là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế, kích thích người nghèo, thiếu vốn SXKD và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển SXKD, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn quận Long Biên nói riêng và TP Hà Nội nói chung.
Trong thời gian tới, Quận Long Biên sẽ quan tâm dành nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đưa việc bố trí ngân sách chuyển vốn ủy thác qua NHCSXH quận hằng năm để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách trên địa bàn vào chương trình, kế hoạch của quận.
Chú trọng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi và hoạt động của NHCSXH để người dân nhận thức và hiểu rõ hơn, từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng vốn.
Giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững
Tại huyện Đan Phượng, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu chính sách đã góp phần giúp cho hơn 31.000 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 15.000 lao động. Đồng thời xây dựng và cải tạo sửa chữa được hơn 37.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho hơn 4.500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ 396 hộ nghèo làm nhà ở,…
Tại huyện Thạch Thất, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn huyện; nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 11 triệu đồng năm 2002 lên 75 triệu đồng năm 2022; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 0,21%, đời sống người dân, nhất là người nghèo ngày càng được cải thiện.
Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên, bảo đảm được cuộc sống. Điển hình như xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, gia đình ông Phạm Xuân Nghề, trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2014 được vay vốn số tiền ban đầu là 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Đến năm 2019, gia đình ông đã thoát nghèo và tiếp tục vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo, hiện gia đình ông có hai con trâu, một con bò, nhờ đó kinh tế gia đình đã phát triển hơn.
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH kiêm Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Lê Thị Đức Hạnh, những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để các quận, huyện, thị xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo.
Ngoài ra, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Đây có thể được đánh giá là “điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam cũng như TP Hà Nội nói riêng.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn, hơn ai hết, những người nghèo, đối tượng chính sách xã hội là những người yếu thế và gặp nhiều khó khăn nhất, hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng phải được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng ngày các tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và Thành phố trong từng thời kỳ.
Bài và ảnh Thiện Tâm
Các tin bài khác
- » Hiệu quả thiết thực từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
- » Vốn tín dụng ưu đãi góp phần giảm nghèo bền vững tại huyện Gò Dầu
- » Lễ ký thỏa thuận hợp tác về phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ số
- » Hộ nghèo ở Quảng Bình giảm nhanh nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Thanh Hóa nâng cao chất lượng ủy thác tín dụng chính sách
- » Kiên Giang tích cực giải ngân vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ
- » Huyện Tân Châu tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng ưu đãi
- » Gia Lai giải ngân kịp thời nguồn vốn phục hồi kinh tế
- » 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách huyện Bảo Lâm
- » An cư nhờ chương trình tín dụng nhà ở xã hội