Kiên Giang tích cực giải ngân vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang, Đoàn Công Thiệt cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và lãnh đạo địa phương, chi nhánh từ Hội sở đến các Phòng giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể chú trọng rà soát nhu cầu vốn trong nhân dân, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa và các quy định của chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được đẩy mạnh để người dân nắm bắt, đăng ký vay vốn và các thôn ấp, khu phố tổ chức bình xét đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang, tổng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11 trong năm 2022 trên toàn địa bàn là 620,54 tỷ đồng cho 5 chương trình cho vay gồm: 479,24 tỷ đồng cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm; 123,3 tỷ đồng cho vay xây dựng, mua, cải tạo nhà ở xã hội; 10 tỷ đồng cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến, trang trải chi phí học tập; 5 tỷ đồng cho vay theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; 3 tỷ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng chống dịch.
Để đồng vốn ưu đãi của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP về kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã khẩn trương giải ngân ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 21/6/2022, gần 90 tỷ đồng vốn ưu đãi đã đến với hơn 1.200 khách hàng vay vốn, trong đó nhiều nhất là cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm là 82,6 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Yên ở ấp Bình Thành, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận sau khi được giải ngân 70 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã phát triển chăn nuôi hiệu quả. Hiện, ông đang sở hữu 4 con bò và 3 con heo nái, nguồn thu nhập rất khả quan.
Còn ông Danh Phương, dân tộc Khmer, ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thu nhập giảm sút, không có tiền mua máy tính để cho con theo học trực tuyến. Nhờ chương trình hỗ trợ cho những gia đình khó khăn được vay ưu đãi để mua máy tính, thiết bị học tập cho học sinh, ông Phương được giải ngân 20 triệu đồng để mua máy tính mới làm phương tiện học tập cho các cháu.
Bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chi nhánh NHCSXH tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, nâng tổng dư nợ lên 4.379 tỷ đồng, tăng 280 tỷ đồng so với năm 2021, với 150.478 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục và phát triển kinh tế ở địa phương.
Thành Văn - Đông Dư
Các tin bài khác
- » Hộ nghèo ở Quảng Bình giảm nhanh nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Thanh Hóa nâng cao chất lượng ủy thác tín dụng chính sách
- » Huyện Tân Châu tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng ưu đãi
- » Gia Lai giải ngân kịp thời nguồn vốn phục hồi kinh tế
- » 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách huyện Bảo Lâm
- » An cư nhờ chương trình tín dụng nhà ở xã hội
- » Động lực thoát nghèo từ tín dụng chính sách
- » Tiếp tục triển khai cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Hành trình 20 năm giảm nghèo ở Quảng Ngãi
- » Gam màu tươi sáng trong hoạt động tín dụng chính sách ở Đức Trọng