Hai mươi năm đồng hành giúp dân làm giàu
Cùng với toàn hệ thống, NHCSXH huyện Quảng Ninh sắp tròn 20 năm trở thành công cụ hữu hiệu, cung cấp vốn tín dụng ưu đãi góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Khi mới thành lập, NHCSXH huyện Quảng Ninh chỉ có 3 cán bộ. Với việc tiếp nhận thêm các chương trình tín dụng mới của Chính phủ, khối lượng công việc, quy mô tín dụng ngày càng lớn, NHCSXH huyện đã được ngân hàng cấp trên bổ sung thêm cán bộ qua các năm, xây dựng bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn, hiệu quả, tổ chức điều hành, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí xã hội, chi phí vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, năm 2004, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã chuyển đổi sang phương thức cho vay ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Thông qua phương thức cho vay ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy thế mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc bình xét, quản lý, kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi của người vay,… Từ việc nhận ủy thác nguồn vốn của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội đã tập hợp, tăng số lượng hội viên, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, góp phần giúp tổ chức hội gần hội viên hơn, hội viên biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến 31/5/2022, tổng dư nợ NHCSXH huyện Quảng Ninh ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là hơn 380,9 tỷ đồng, chiếm 99,4% tổng dư nợ của NHCSXH huyện. Tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,06%.
Gia đình ông Phạm Văn Hiếu ở thôn Võ Tân, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh là một trong những hộ tiếp cận nguồn vốn NHCSXH để vươn lên thoát nghèo. Ông Hiếu tâm sự: Năm 2019, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng làm nông nghiệp nuôi 2 đứa con ăn học rất vất vả; kinh tế gia đình chỉ dựa vào sức lao động của 2 vợ chồng với thu nhập từ làm đồng ruộng, thiếu thốn trăm bề.
Tuy nhiên, sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã Xuân Ninh và Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Võ Tân, ông Hiếu được vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện Quảng Ninh để xây chuồng trại và chăn nuôi bò sinh sản và 20 triệu đồng chương trình cho vay NS&VSMTNT để xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất mà đến nay, gia đình ông Hiếu đã thoát nghèo. Nhưng với ý chí vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, ông Hiếu đã làm đơn xin vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư vào sản xuất. “Nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và đặc biệt là NHCSXH huyện đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và từng bước vươn lên trong cuộc sống”, ông Hiếu chia sẻ.
Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách triển khai qua NHCSXH trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã giúp hàng nghìn hộ vượt qua được khó khăn, vươn lên thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi, ổn định cuộc sống; thu hút tạo việc làm cho trên 2.000 lao động; hỗ trợ 10.226 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 15.971 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt; hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa, xây dựng được 998 căn nhà (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và 33/2015/QĐ-TTg); 69 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Ninh Nguyễn Tuấn Ngọc cho biết: Hoạt động của NHCSXH đạt hiệu quả là nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách, xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên; tín dụng chính sách là công cụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống 20 năm, tiếp tục tham mưu cho huyện để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Đồng thời, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ của ngành; chấp hành nghiêm túc Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo của HĐQT và Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; tuân thủ cơ chế, nghiêp vụ của NHCSXH; phát huy tính chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tăng cường chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội với NHCSXH trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách gắn với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thế mạnh từng địa bàn xã, thị trấn; phối hợp lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, quan tâm chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại Điểm giao dịch xã.
Bài và ảnh Văn Chung
Các tin bài khác
- » Hòa Thành tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách
- » Đồng hành cùng người nghèo trên cao nguyên Mộc Châu
- » Kim Sơn đưa nguồn vốn ưu đãi đến tay người nghèo
- » Nhọc nhằn gieo no ấm giữa lòng cao nguyên đá
- » Mèo Vạc sau 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP (HGTV - 09.7.2022)
- » Tín dụng chính sách 20 năm đồng hành với người nghèo Lý Sơn
- » Hơn 79.000 lượt khách hàng được vay vốn ưu đãi
- » NHCSXH làm việc với đoàn công tác đến từ Papua New Guinea
- » Nhiều địa phương phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn chính sách
- » Hiệu quả thiết thực từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội