Lạng Sơn: Tín dụng ưu đãi đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân
Dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Văn Nghiệm - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh; lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh. Về phía Trung ương có đồng chí Dương Quyết Thắng - Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc NHCSXH.
Phương thức sáng tạo và phù hợp nhất
Điều này có thể thấy qua hiệu quả mô hình tổ chức của NHCSXH từ bộ máy quản trị là Ban đại diện HĐQT NHCSXH đến bộ máy điều hành tác nghiệp là chi nhánh NHCSXH tỉnh và Phòng giao dịch NHCSXH các huyện, thị xã. Phương thức cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội cùng việc bình xét công khai từ thôn, bản đã thể hiện tính đặc thù, sáng tạo của NHCSXH trong việc quản lý vốn tín dụng chính sách, qua đó thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Với việc thành lập Điểm giao dịch tại xã và tổ chức giao dịch cố định hàng tháng đã tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân trong việc vay vốn, trả nợ, gửi tiết kiệm, tiếp tục tạo cầu nối giữa chính quyền, đoàn thể xã với nhân dân và ngược lại.
Chia sẻ của bà Vy Thị Tường, dân tộc Tày là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Quang Hoà, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập càng minh chứng thêm hiệu quả của việc huy động sức mạnh xã hội vào trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Thôn Quang Hòa có 115 hộ và 409 nhân khẩu là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh chủ yếu sống bằng nghề nông lâm nghiệp kết hợp với chăn nuôi, trồng rừng cây lâu năm. Vì luôn phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh thất thường nên năng suất, thu nhập không ổn định, cuộc sống vô cùng khó khăn; trình độ dân trí thấp nên việc tiếp thu KHKT vào sản xuất, chăn nuôi còn hạn chế. Mong muốn hỗ trợ những người dân trong thôn, bà Tường không bỏ bất kỳ lớp tập huấn nghiệp vụ NHCSXH hay các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT để tiếp thu, học hỏi tích lũy dần kinh nghiệm và đưa ra những định hướng riêng cho hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tổ viên để phát hiện và có biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Từ năm 2003 đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà Tường quản lý có 39 tổ viên với tổng dư nợ hơn 3,5 tỷ đồng thông qua nguồn vốn vay từ NHCSXH. Trước đây, một số hộ gia đình nghèo quanh năm chỉ biết lam lũ, làm ăn riêng rẽ; việc chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau còn hạn chế, cuộc sống thiếu thốn. Từ khi tham gia hoạt động tại Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hộ gia đình đã biết cách sử dụng hiệu quả đồng vốn, qua đó, điều kiện sống được cải thiện rõ rệt, nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo thành hộ khá.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần rất lớn giúp cho người dân yên tâm về vốn để làm kinh tế, không còn tình trạng đi vay nặng lãi, đảm bảo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng hơn là giúp cho nhiều gia đình thuộc hộ nghèo xóa bỏ mặc cảm tự ti; góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội phong phú hơn, có nội dung kinh tế - xã hội thiết thực, có lợi ích cụ thể, thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, có điều kiện cho con em được đến trường. Từ đó, ngày càng tạo thêm niềm tin cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần thực hiện tốt chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Cường Lợi nói riêng và huyện Đình Lập nói chung”, bà Vy Thị Tường chia sẻ.
Điểm tựa giảm nghèo xây dựng nông thôn mới
Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đi vào cuộc sống đã tạo bước chuyển mới trong hoạt động tín dụng chính sách khi các ban ngành liên quan, chính quyền địa phương xem đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện về nguồn vốn và hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của NHCSXH.
Đến nay, nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên đại bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 103 tỷ đồng, tăng 67,5 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị. Trong đó, ngân sách tỉnh là 61,9 tỷ đồng, tăng 29,9 tỷ đồng; ngân sách các huyện, thành phố là 41,1 tỷ đồng, tăng 37,6 tỷ đồng.
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị - xã hội và sự kiên trì, bền bỉ trong công tác cho vay của từng cán bộ chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn có thể nhìn thấy rõ qua kết quả hoạt động trong 20 năm qua. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu với tổng dư nợ là 146 tỷ đồng đến naychi nhánh đã và đang thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi với doanh số cho vay đạt hơn 11.352 tỷ đồng, với hơn 470 nghìn lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn đã giúp gần 45 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân trên 3%/năm; tạo việc làm cho hơn 28 nghìn lao động, 2,6 nghìn lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 31 nghìn HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập…
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 192.685 hộ dân; trong đó, có 23.511 hộ nghèo (tỷ lệ 12,2%), 23.247 hộ cận nghèo (tỷ lệ 12,06%). Tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đến nay đạt hơn 3.584 tỷ đồng, tăng hơn 3.397 tỷ đồng, gấp 19,1 lần so với năm 2003; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 17%/năm. Riêng dư nợ tại vùng khó khăn đạt 3.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 89,3% tổng dư nợ.
Tuy nhiên, trên một địa bàn miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là điểm đầu của Việt Nam trong tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng với dân số trên 788 nghìn người, tỷ lệ hộ DTTS chiếm 87,7% tổng số hộ toàn tỉnh, nhu cầu tín dụng chính sách rất lớn. Chính vì vậy, tham dự và phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Hằng năm, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thành phố bố trí một phần ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay triển khai thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Ban đại diện HĐQT, chi nhánh NHCSXH tỉnh và các tổ chức nhận uỷ thác các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, an toàn, hiệu quả, tránh việc trục lợi chính sách.
Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội, các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội; NHCSXH tỉnh không ngừng đào tạo tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm.
Ghi nhận thành quả triển khai tín dụng chính sách trên điạ bàn cũng như tâm huyết với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục quân tâm chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, của tỉnh theo từng giai đoạn. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Tổng Giám đốc NHCSXH cũng yêu cầu chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH Trung ương và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Tập trung ưu tiên dành nguồn vốn cho vay đối với các hộ đồng bào DTTS và miền núi ở các xã vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao; đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn để phát triển kinh tế. Thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH; phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tín dụng của Đảng và Chính phủ, phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ ngày càng có hiệu quả hơn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Clip tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ
Minh Nguyễn
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn: 20 năm đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác (LSTV - 15.8.2022)
- » An cư, lạc nghiệp nhờ vốn chính sách
- » “Bà đỡ” xây dựng nông thôn mới ở Quảng Điền
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở miền quê thuần nông
- » NHCSXH tỉnh Lạng Sơn 20 năm đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » 20 năm qua có trên 421 nghìn lượt hộ nghèo ở Cao Bằng được vay vốn chính sách
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở Sơn La
- » 20 năm hành trình vì người nghèo của NHCSXH TP Sa Đéc (THĐT - 10.8.2022)
- » Hiệu quả từ nguồn vốn vay chính sách tại Hà Tĩnh theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính Phủ (HTTV - 10.8.2022)