Hậu Giang phát huy hiệu quả chính sách tín dụng
Hiệu quả nguồn vốn
Ảnh hưởng dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và người dân. Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng, tỉnh Hậu Giang nhanh chóng triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 trên địa bàn đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Ông Nguyễn Minh Toản ở ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Mấy năm trước, tôi đi làm công nhân ở TP HCM. Từ khi dịch COVID-19 diễn ra làm ảnh hưởng ít nhiều đến công việc và thu nhập. Tuy nhiên, tôi rất vui vì trong những lúc khó khăn, gia đình được tỉnh, địa phương và NHCSXH tỉnh Hậu Giang quan tâm hỗ trợ giúp vốn làm ăn, tạo việc làm có thu nhập mới. Nhờ đó, gia đình tôi vay được 30 triệu đồng. Có được vốn vay, tôi chuyển 5 công ruộng lên liếp trồng 400 cây mít ruột đỏ. Chỉ sau 2 năm trồng, cây mít bắt đầu cho trái. Vừa rồi tôi thu hoạch được gần 1 tấn trái, bán được 35 triệu đồng. Hiện tại mít ruột đỏ có giá ổn định, được thương lái mua hết nên sắp tới gia đình tôi dự định mở rộng thêm diện tích”.
Ông Đặng Minh Toàn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy cho rằng, để sớm đưa chính sách tín dụng ưu đãi phát huy hiệu quả, khi NHCSXH huyện Vị Thủy và xã thông báo về nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11, tổ đã đưa thông tin kịp thời đến người dân có nhu cầu biết để nộp hồ sơ vay vốn. Việc giải ngân được nhanh chóng, đưa nguồn vốn vay ưu đãi kịp thời đến các hộ dân có nhu cầu, từ đó giúp người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế địa phương.
Thực hiện chương trình tín dụngưu đãi theo Nghị quyết số 11, các thành viên tổ 3 được vay 80 triệu đồng. Phải khẳng định rằng, đến nay nguồn vốn được hộ vay sử dụng đúng mục đích và bắt đầu phát huy hiệu quả đồng vốn. Để nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế hộ, tổ 3 thường xuyên quan tâm thăm hỏi việc sử dụng vốn, khi có gặp vấn đề khó khăn về mô hình đang sử dụng vốn vay, tổ có thông tin kịp thời với các đơn vị chuyên môn để hỗ trợ về mặt kỹ thuật kịp thời, từ đó giúp hộ vay làm ăn đạt hiệu quả tốt.
Để hộ có nhu cầu tiếp cận được vốn
Bà Trần Ngọc Trang - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11, trên địa bàn huyện đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đã giải ngân cho 89 khách hàng, với số tiền 3,7 tỉ đồng, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Còn chương trình cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, đã giải ngân cho 6 khách hàng, số tiền 2,9 tỉ đồng, đạt 38,67% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến đã giải ngân 78 khách hàng, số tiền 780 triệu đồng, đạt 44,83% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong thời gian tới, Phòng giao dịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ chức giải ngân nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, nhanh nhất, người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích theo tinh thần Nghị quyết số 11. Đồng thời giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo chính sách đúng đối tượng thụ hưởng.
Ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Hậu Giang, cho biết: Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11, chi nhánh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, thực hiện tốt việc tham mưu Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện phân bổ chỉ tiêu của từng chương trình đến UBND cấp xã, đồng thời chỉ đạo rà soát đối tượng của từng chương trình, tập trung tuyên truyền để đối tượng hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình qua đó để người dân tích cực tham gia, đảm bảo không để hộ gia đình nào thuộc đối tượng vay vốn và có nhu cầu mà không tiếp cận được nguồn vốn vay do thiếu thông tin.
Theo đó, đối với chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg, các đơn vị chỉ đạo cán bộ tín dụng phối hợp với xã và Trưởng ấp rà soát từng gia đình có sinh viên, học sinh (nhưng chưa được hỗ trợ từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và các chương trình hỗ trợ khác) để tuyên truyền về hiệu quả của chương trình, trong đó lưu ý nguồn vốn chương trình hỗ trợ một phần chi phí để ngoài việc trang bị máy tính, còn có các thiết bị nghe, nhìn khác phục vụ cho việc học trực tuyến. Còn Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lãnh đạo các đơn vị phối hợp với UBND cấp xã tiếp cận và tăng cường tuyên truyền vận động chủ các cơ sở nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình để tích cực tham gia nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa đảm bảo thủ tục như thiếu Quyết định cho phép thành lập của UBND cấp xã thì đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã căn cứ khoản 1, Điều 11, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục trên bổ sung đầy đủ thủ tục vay vốn…
Trong đó, phấn đấu thời gian hoàn thành công tác giải ngân chương trình cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, cơ bản hoàn thành trước ngày 30.6.2022. Chương trình cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, hoàn thành cơ bản trước ngày 31.8.2022.
Theo báo cáo, trong gần 2 tháng qua đã giải ngân được 1.002 hộ, với số tiền cho vay trên 48 tỉ đồng, đạt 37,6% chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được 620 người lao động, số tiền 30 tỉ đồng; cho vay nhà ở xã hội với số tiền 14,2 tỉ đồng; cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị đủ điều kiện học trực tuyến được 345 HSSV, với số tiền trên 3,4 tỉ đồng. Cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 5 nhóm trẻ với số tiền 400 triệu đồng.
Bài và ảnh Thanh Xoàn
Các tin bài khác
- » Tiếp tục triển khai cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
- » Tín dụng chính sách giúp người dân vùng cao Bắc Giang thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách đến với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
- » Tiếp vốn cho hộ mới thoát nghèo
- » Để hộ nghèo tiếp cận được với nguồn vốn chính sách
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp thêm động lực cho hộ nghèo ở Đắk Lắk
- » Giúp dân tạo việc làm mà không phải ly hương
- » Đòn bẩy thoát nghèo ở Mang Yang
- » Châu Thành triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ
- » Nâng cao chất lượng đào tạo góp phần phát triển nguồn nhân lực của NHCSXH