Lâm Đồng tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 78, cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung, của ngành ngân hàng nói riêng. Chủ trương này cũng được Quốc hội khóa X quy định trong Luật các tổ chức tín dụng: “Phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”.
Theo báo cáo tóm tắt tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78, đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 4.666 tỷ đồng, tăng hơn 4.563 tỷ đồng so với năm 2002 (tăng 45,5 lần), tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm 22,4%; tổng dư nợ đạt hơn 4.529 tỷ đồng, với 94.983 khách hàng còn dư nợ của 16 chương trình tín dụng, tăng hơn 4.432 tỷ đồng (gấp 46,4 lần) so với khi thành lập, tăng trưởng bình quân hằng năm 22,7%.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp hiệu quả với NHCSXH tham gia quản lý 2.450 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ đạt hơn 4.506 tỷ đồng, chiếm 99,5% trên tổng dư nợ của chi nhánh NHCSXH tỉnh; trong đó, Hội LHPN quản lý hơn 1.660 tỷ đồng (chiếm 36,8%), Hội Nông dân quản lý hơn 1.419 tỷ đồng (chiếm 31,5%), Hội CCB quản lý hơn 729 tỷ đồng (chiếm 16,2%), Đoàn Thanh niên quản lý hơn 696 tỷ đồng (chiếm 15,5%). Tổ tiết kiệm và vay vốn có mặt tại tất cả các thôn, tổ dân phố trong tỉnh, bình quân 1 tổ có 39 hộ vay, với dư nợ hơn 1,8 tỷ đồng.
Qua 20 năm, các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho 735.186 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; góp phần giúp 84.927 hộ thoát nghèo; 48.790 hộ thoát cận nghèo; giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 115.514 lao động; 69.625 HSSV trang trải chi phí học tập; xây dựng 220.696 công trình nước sạch và nhà vệ sinh; 6.309 căn nhà ở cho hộ nghèo, 218 căn nhà ở xã hội.
Chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2005 - 2010 từ 22,72% xuống còn 6,31% vào cuối năm 2010, giai đoạn 2011 - 2015 từ 12,6% năm 2010 xuống còn 1,75% cuối năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 từ 6,67% xuống còn 0,9% cuối năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đình Văn biểu dương và ghi nhận những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị định 78 trong 20 năm qua. Tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, là một trong những đòn bẩy kinh tế góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tốt hơn nữa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh cần tập trung phối hợp thực hiện hiêụ quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Đề nghị các tổ chức, các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục chung tay đóng góp, tạo lập nguồn vốn để NHCSXH cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, phục vụ SXKD, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. NHCSXH chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và bổ sung thêm nguồn lực góp phần cùng địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ghi nhận thành quả triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn cũng như tâm huyết với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng quan tâm chỉ đạo toàn diện hoạt động tín dụng chính sách xã hội; trong đó, cần ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trong bối cảnh kinh tế thị trường, phải gắn các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, khuyến khích làm giàu hợp pháp, đi đôi với giảm nghèo bền vững. Tổng Giám đốc NHCSXH cũng yêu cầu chi nhánh tỉnh Lâm Đồng cần bám sát mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 của NHCSXH và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đặng Trí Dũng khẳng định: Hiệu quả đạt được 20 năm qua đã khẳng định NHCSXH là công cụ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội. UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh NHCSXH tỉnh đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Lâm Đồng trong 20 năm qua có sự đóng góp rất lớn của chi nhánh NHCSXH tỉnh; sự phối hợp có trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; sự hợp tác của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2013, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2021; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2007, năm 2009, năm 2011, năm 2012; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2009, năm 2010, năm 2018, năm 2020; Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH công nhận là đơn vị xuất sắc toàn hệ thống năm 2010, đơn vị xuất sắc nhất khu vực Tây Nguyên trong 7 năm và nhiều hình thức khen thưởng khác của UBND tỉnh và các cấp, các ngành.
Tại Hội nghị, đã có 1 tập thể nhận Bằng khen của Uỷ ban Dân tộc và 1 cá nhân nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 16 tập thể và 31 cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng trao tặng Bằng khen; 6 tập thể và 31 cá nhân được Tổng Giám đốc NHCSXH trao tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Clip: Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ tại Lâm Đồng
Bài và ảnh Lê Hoa
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Vĩnh Phúc tổng kết 20 năm triển khai tín dụng ưu đãi
- » Đắk Nông cần tranh thủ các nguồn vốn để tạo điều kiện cho người nghèo
- » Dấu ấn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách tại Đắk Nông
- » Nguồn vốn địa phương đáp ứng nhu cầu hộ vay ở Hà Nội
- » 20 năm qua Hà Nội có hơn 2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn chính sách
- » Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội
- » Hành trình 20 năm triển khai vốn tín dụng chính sách tại vùng đất cực Nam Tổ quốc
- » Khi vốn ưu đãi là “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo
- » Vốn vay ưu đãi - động lực lớn cho hộ nghèo vươn lên