Dấu ấn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách tại Đắk Nông

20/08/2022
(VBSP News) Sau gần 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), nguồn vốn tín dụng đã góp phần rất lớn trong việc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại Đắk Nông.
image001

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế

Hơn 56.424 hộ thoát nghèo

Gia đình bà Mai Thị Duyên ở thôn 7, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút không những có tiếng làm kinh tế giỏi, mà các con của bà còn học hành bài bản, có công ăn việc làm ổn định. Theo bà Duyên, có được thành quả như ngày hôm nay, trước đó, gia đình bà đã trải qua rất nhiều khó khăn. Trong quá trình đó, may mắn của gia đình là được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH huyện từ rất sớm, vào những năm 2004.

“Lúc đó, gia đình vay được 5 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Số tiền 5 triệu lúc đó nó to lắm. Có vốn là về gia đình tôi tập trung vào trồng trọt, nhất là các cây ăn quả”, bà Duyên phấn khởi cho biết. Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ đồng vốn ban đầu, bà đã có thêm nhiều khoản thu nhập, tích góp trả lãi nợ ngân hàng theo quy định. 

Sau này, NHCSXH huyện Cư Jút đã tạo điều kiện cho gia đình bà vay thêm nhiều chương trình khác nhau. Hiện tại, gia đình đang được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi 3 chương trình, với 110 triệu đồng vay. Nguồn vốn giúp gia đình bà Duyên thoát nghèo, con cái cũng có thêm điều kiện để học hành đến nơi đến chốn.

Cũng được vay nguồn vốn ưu đãi, gia đình chị Lương Thị Hoài Thương ở thôn 15, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp ngày càng có cuộc sống ổn định hơn. Năm 2018, gia đình chị Thương khởi nghiệp với mô hình nuôi bò vỗ béo. Ban đầu, nguồn vốn chưa nhiều, chị chỉ mua được 4 con bò giống. Tận dụng nguồn phân bò, với 2 sào đất trắng, chị triển khai trồng thêm 2 sào su su. Sau hơn 2 tháng trồng, vườn su su đã cho thu nhập đều đặn.

Bên cạnh đó, nhận thấy mặt hàng chanh vắt nước được người dân sử dụng nhiều, chị đã tận dụng đất trống dưới tán cà phê, để đầu tư trồng thêm 400 gốc chanh. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, từ nguồn thu nhập này, cộng với nguồn vốn tích góp của gia đình, chị đã mua thêm bò giống về vỗ béo. Sau gần 2 năm, đàn bò phát triển thuận lợi. Đến nay, trong chuồng của gia đình chị luôn duy trì gần 20 con bò. “Mỗi năm, nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi bò và các loại cây trồng tầm trên dưới 200 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, gia đình thoải mái trang trải cuộc sống, cũng như chăm lo cho con cái học hành”, chị Thương chia sẻ.

image002

NHCSXH huyện Đắk Song giao dịch với người dân xã Nâm N’Jang

Giai đoạn 2004 - 2022, tại tỉnh Đắk Nông, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp hơn 56.424 lượt hộ thoát nghèo; 26.770 lao động được tạo việc làm. Toàn tỉnh có 40.490 HSSV được vay vốn họ tập; 2.830 ngôi nhà cho các đối tượng được xây mới; hơn 133.280 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn được sửa chữa, xây dựng.

Trong 20 năm thực hiện Nghị định 78, đến nay, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông đang triển khai cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách khác nhau, tăng 15 chương trình so với năm 2004. Đến nay, dư nợ tín dụng ưu đãi tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 3.527 tỷ đồng, tăng hơn 3.520 tỷ đồng so với năm 2004. Hiện có trên 69 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, chiếm 42% số hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh (163.450 hộ).

Một số chương trình có tỷ trọng cho vay lớn như: chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 17,1%, chương trình cho vay hộ cận nghèo là 13%, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo là 13,5%, chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn chiếm 23,2%,… Thông qua nguồn vốn này, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có thêm cơ hội để đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Tiếp tục đồng hành cùng người dân

image003

Nguồn vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ dân có cơ hội thoát nghèo

Thời gian qua, việc tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi luôn được chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện của từng địa phương thực hiện ý chí, nguyện vọng của người dân. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Qua đó, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng nông thôn. Nhiều hộ gia đình đã chủ động, sáng tạo mạnh dạn áp dụng KHKT vào SXKD, liên doanh, liên kết xây dựng nền kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường. 

Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Đắk Nông chỉ còn 11,19%, giảm 44,81% so với năm 2004. Toàn tỉnh có 35/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, Đắk Nông đã thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo, kém phát triển. Để có được kết quả này, trong quá trình thực hiện nguồn vốn ưu đãi, chi nhánh đã phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác kiểm tra, giám sát quá trình trước, trong và sau khi cho vay vốn. Đến nay, dư nợ từ NHCSXH ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt hơn 3.519 tỷ đồng, chiếm 99,7% dư nợ.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hòa nhấn mạnh: “Khi có nguồn vốn, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh rà xoát, bình xét. Quá trình bình xét, cho vay được chính quyền cấp cơ sở thực hiện công khai, minh bạch. Ngoài phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền địa phương, chúng tôi bổ sung các đoàn cán bộ xuống cơ sở tăng cường công tác giám sát. Những vi phạm trong quá trình vay sẽ được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời”. 

Để giúp người dân tiếp cận vốn vay, NHCSXH luôn đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng “làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã”. Đến nay, đơn vị đang triển khai 71 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới hơn 1.580 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bon, buôn, tổ dân phố là cầu nối giúp NHCSXH trong việc thực hiện hiệu quả tín dụng ưu đãi tại cơ sở.

Nguồn vốn giải ngân kịp thời đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được đáp ứng nhu cầu. Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định ngày càng được nhân rộng. Nhờ đó, chất lượng tín dụng ưu đãi tại cơ sở không ngừng nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ, giảm 2,65% so với năm 2004.

20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Đắk Nông có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phục vụ SXKD; đời sống của người dân từng bước được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Qua đó, công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Điều này một lần nữa khẳng định sự ưu việt của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân, nhất là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Bài và ảnh Nguyễn Lương - Việt Dũng

Các tin bài khác