Thêm nguồn lực cho hộ nghèo và cận nghèo

08/05/2014
(VBSP News) Nếu Quyết định số 34/QĐ-HĐQT của Hội đồng quản trị NHCSXH được các địa phương nhanh chóng triển khai trong nửa cuối năm nay thì lượng vốn ưu đãi dành cho các hộ nghèo và cận nghèo chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng lớn. Điều quan trọng nhất là sẽ có nhiều hộ dân nghèo có thêm cơ hội để vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Quyết định 34 sẽ giúp nhiều hộ dân nghèo có thêm cơ hội để vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi Ảnh: VBSP News

Quyết định 34 sẽ giúp nhiều hộ dân nghèo có thêm cơ hội để vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi
                                                                                                                                 Ảnh: VBSP News

Thời điểm này năm ngoái, khi được hỏi về những khó khăn của địa phương trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Lê Hoàng Giang - Chủ tịch UBND xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) cho hay, “cái khó nhất ở đây là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao”.

Mặc dù chính quyền xã đã đứng ra phụ trách lập hồ sơ vay vốn từ các ngân hàng, tuy nhiên, do các quy định về hạn mức mỗi hộ chỉ được vay tối đa 30 triệu đồng, những Hợp tác xã (HTX) làm ăn hiệu quả nhất tại địa phương như HTX sản xuất lúa giống Hiệp Thắng mỗi năm cũng chỉ được vay khoảng 25 triệu đồng/ha. Số tiền ít ỏi này chỉ đủ để đơn vị duy trì sản xuất kinh doanh. Muốn mở rộng diện tích và thu hút thêm hội viên thì phải có nguồn vốn vay lên tới hàng trăm triệu đồng cho mỗi ha lúa giống mỗi năm.

Tương tự, tại Cà Mau, ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc Bắc, huyện Thới Bình cho rằng, với mức vay mỗi hộ tối đa 30 triệu đồng/năm thì thực tế các hộ nghèo và cận nghèo không thể chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm hoặc sản xuất các loại cây trồng khác. Vì chỉ tính riêng tiền vét ao và vốn tôm giống thì để cải tạo một vuông tôm 1ha đã tốn khoảng 40 triệu đồng, nếu muốn đầu tư chăm sóc vụ tôm thì mỗi ha cần tới vài ba trăm triệu đồng.

Trong khi đó, nếu muốn cải tạo từ vườn tạp sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao hoặc phát triển chăn nuôi vịt tập trung thì chi phí vốn ban đầu ít nhất cũng phải 100 - 150 triệu đồng/hộ. Chính vì vậy, hiệu quả sử dụng vốn vay giảm nghèo ở địa phương không cao. Đa số các hộ nghèo, cận nghèo sau khi tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi chỉ có thể sử dụng để sửa chữa nhà ở, hoặc tập trung đầu tư chăn nuôi nhỏ lẻ. Với cách làm này, số hộ thoát nghèo và tái nghèo hằng năm gần như tương đương nhau. Thực tiễn trên đặt ra nhu cầu bức thiết phải nâng mức vốn hỗ trợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo để giúp nông dân “cái cần câu” thay đổi cơ cấu kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững.

Trên cương vị Chủ tịch HĐQT NHCSXH, ngày 26/4/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã ký Quyết định số 34/QĐ-HĐQT nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ/năm. Như vậy, nếu căn cứ theo Quyết định trên, đồng thời chiếu theo quy định tại Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo thì từ 01/5/2014, các hộ cận nghèo cũng được nâng mức cho vay từ 30 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ.

Việc nâng mức cho vay đối với hộ nghèo và cận nghèo như trên có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đẩy nhanh các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa - nơi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo luôn ở mức trên 10% dân số. Khi người dân không có vốn để thay đổi sinh kế thì việc đóng góp vào nguồn vốn xã hội hóa khi xây dựng nông thôn mới không thể thực hiện được.

Chưa kể rằng, nếu nguồn vốn vay không đủ lớn thì các tổ chức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp ở các địa phương khó phát triển mạnh và thu hút được hội viên tham gia. Chính điều này khiến cho ở nhiều xã, việc xây dựng nông thôn mới bị chững lại khi đụng vào các tiêu chí khó hoàn thành như tiêu chí thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động và nhà ở.

Nhiều năm nay, ngành Ngân hàng đã tập trung nguồn lực cho an sinh xã hội. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2013, các TCTD trên địa bàn cả nước đã dành khoảng 1.300 tỷ đồng để cam kết tài trợ các dự án hoặc hỗ trợ cho mục tiêu an sinh xã hội. Số tiền giúp đỡ an sinh xã hội của ngành Ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số tiền tài trợ an sinh xã hội tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, tình trạng tái nghèo ở nhiều địa phương vẫn xảy ra phổ biến. Chính vì thế, việc nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và cận nghèo chính là giải pháp phù hợp với thực tế và cần thiết để người dân có thể dùng đồng vốn vay hiệu quả.

Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến hết tháng 3/2014, dư nợ cho vay hộ cận nghèo của các TCTD đạt trên 10.300 tỷ đồng, với gần 550 nghìn lượt hộ cận nghèo được vay vốn. Nếu Quyết định 34 được các địa phương nhanh chóng triển khai trong nửa cuối năm nay thì lượng vốn ưu đãi dành cho các hộ nghèo và cận nghèo chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng lớn. Điều quan trọng nhất là sẽ có nhiều hộ dân nghèo có thêm cơ hội để vươn lên làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Hà Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác