Nét mới về Tổ tiết kiệm và vay vốn trên vùng đất chè

08/05/2014
(VBSP News) Hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 3.220 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Số Tổ tiết kiệm và vay vốn này đã như những “cánh tay nối dài” của NHCSXH trên vùng đất chè nổi tiếng. Theo ý kiến của nhiều nhà quản lý tài chính ngân hàng, nếu không có các tổ này thì chỉ với 9 đến 10 cán bộ biên chế thuộc NHCSXH cấp huyện sẽ khó có thể quản lý và giúp người dân phát huy hiệu quả vốn vay chính sách.
Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn trên vùng đất chè

Một buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn trên vùng đất chè

Hoạt động hiệu quả từ các Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có vai trò của Ban quản lý tổ và Tổ trưởng đã góp phần quan trọng chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời giúp NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Thái Nguyên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Điển hình cho hiệu quả hoạt động đó là Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Vinh Quang 2, xã Vinh Sơn, huyện Sông Công do chị Hoàng Thị Hà làm Tổ trưởng, đã quản lý số dư nợ lớn nhất trong tổng số 3.220 Tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên, trên 1,7 tỷ đồng. Đây còn là Tổ tiết kiệm và vay vốn không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, thực hiện tốt việc vận động tổ viên gửi tiết kiệm vào mục đích giảm nghèo.

Chị Hoàng Thị Hà, sinh năm 1978, được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vào tháng 8/2009. Xóm Vinh Quang 2 thuần nông trước đây có rất ít hộ dân tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhưng từ khi chị Hà làm Tổ trưởng, số người tự nguyện vào tổ ngày càng đông, vì họ nhận thấy chị Tổ trưởng luôn nhiệt tình, hết lòng với công việc chung và sẵn sàng giúp đỡ tổ viên khi gặp khó khăn. Đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Vinh Quang 2 có 55 hội viên, vay vốn chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đến 1,1 tỷ đồng, tiếp đến là chương trình vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Trước nhu cầu vay vốn ưu đãi của bà con nên mỗi lần xóm thôn được phân bổ nguồn vốn, chị Tổ trưởng đều tranh thủ ý kiến của Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, rồi triệu tập họp tổ để bình xét dân chủ, công khai việc cho vay đúng đối tượng. Chính việc này, đã góp phần giúp người vay sử dụng vốn đạt hiệu quả và không để xảy ra tình trạng vay ké, vay nóng hay thắc mắc.

Chị Hà cho biết: “Để Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động nề nếp, chất lượng thì trước hết, tổ cần thành lập theo đúng quy định, có sự giám sát của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, bao gồm Tổ trưởng, Tổ phó phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy trình nghiệp vụ của NHCSXH. Từ nhận thức ấy, chị Hà thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ đều đặn nhằm tạo thói quen cho tổ viên sinh hoạt định kỳ, thực hiện đầy đủ quy ước hoạt động của tổ. Nhằm nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt tổ, chị Tổ trưởng cũng luôn đổi mới hình thức sinh hoạt, triển khai đầy đủ những thông tin liên quan đến hoạt động vay vốn, trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng, áp dụng kiến thức KHKT vào sản xuất… thu hút sự tham gia sinh hoạt đầy đủ, nhiệt tình của bà con tổ viên.

Không chỉ tận tuỵ, nhiệt tình với việc chung, chị Tổ trưởng Hoàng Thị Hà đã không ngại khó, mạnh dạn thay đổi phương thức công tác. Đơn cử như trước đây theo quy định hằng tháng các hộ vay vốn phải đến nhà văn hóa xóm để nộp tiền lãi. Nhận thấy cách làm này làm mất thời gian, công sức của bà con, nên chị Hà đã cải tiến đến từng hộ gia đình thu lãi và nhận tiền gửi tiết kiệm. “Đây là cách để tôi nắm bắt được tình hình sử dụng vốn của tổ viên, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của mỗi người”, chị Hà tâm sự.

Những việc làm đó của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Vinh Quang 2 và chị Tổ trưởng Hoàng Thị Hà đã giúp nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH được quản lý tốt, thuận lợi, phát huy hiệu quả trong giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên vùng chè Thái Nguyên.

Bài và ảnh Hà Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác