Để người dân thoát nghèo bền vững

06/05/2014
(VBSP News) Bắc Giang và Hưng Yên là 2 trong số những tỉnh có tỷ lệ hộ cận nghèo cao. Theo số liệu điều tra năm 2013, Bắc Giang có hơn 31 nghìn hộ cận nghèo, còn Hưng Yên có trên 22 nghìn hộ. Chính vì thế, dù đã có nhiều quyết sách trong phát triển kinh tế nhưng mức sống của nhiều hộ dân vẫn khá chật vật. Hiểu được nguyên nhân sâu xa đó, NHCSXH đã triển khai thành công nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, giúp các hộ cận nghèo của 2 địa phương trên ổn định cuộc sống.
Hộ cận nghèo ở Bắc Giang vui mừng nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã

Hộ cận nghèo ở Bắc Giang vui mừng nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã

Hiệu quả vốn chính sách trên đất vải

Trong chuyến công tác cùng cán bộ của NHCSXH, chúng tôi có dịp ghé thăm những hộ dân được tiếp cận vốn của chương trình cho vay hộ cận nghèo.

Dừng chân ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), đến thăm nhiều hộ dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của chương trình cho vay hộ cận nghèo trong hành trình giúp người dân thoát nghèo bền vững. So với các địa phương khác trong tỉnh, Yên Thế gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, diện tích đồi núi lớn, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hiện, Yên Thế có 13/21 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn. Chính vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Yên Thế luôn cao nhất tỉnh, lên đến 4.000 hộ.

Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: “Để đưa được đồng vốn đến tay người dân, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Xác định đây là một trong những giải pháp giúp bà con thoát nghèo bền vững nên cán bộ tín dụng của ngân hàng đã nỗ lực hết mình, nhanh chóng đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Yên Thế là một trong những địa phương được chúng tôi ưu tiên giải ngân vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo”.

Được sự đồng thuận, nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện cùng sự nhanh nhạy, vào cuộc đồng bộ của hệ thống các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn, công tác triển khai vốn đến tay hộ cận nghèo diễn ra khá thuận lợi.

Tính đến cuối năm 2013, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã giải ngân được khoảng 160 tỷ đồng vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo, hơn 6.000 hộ cận nghèo trên địa bàn đã được nhận tiền với mức vay trung bình 25 triệu đồng/hộ, cao hơn so với bình quân toàn quốc. Riêng huyện Yên Thế, đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi đạt hơn 257 tỷ đồng, với 12.600 hộ đang dư nợ, tăng gần 12 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Nguồn vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đóng góp quan trọng vào kết quả giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 24% (năm 2010) xuống còn 14,49% (cuối năm 2013).

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn, bò của gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Đồi Lánh, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế. Nghe bà Hương kể về thời gian khó khăn của gia đình, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của đồng vốn tín dụng ưu đãi. Bà Hương xúc động nói: Gia đình may mắn được NHCSXH hỗ trợ, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế, con cái được ăn học đàng hoàng.

Tương tự, gia đình bà Đặng Thị Oanh ở thôn Đổng Kênh, xã Đông Sơn cũng thoát nghèo từ những đồng vốn hỗ trợ ban đầu của NHCSXH. Trước đây, cuộc sống của gia đình bà vô cùng khó khăn, tuy nhiên từ khi được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, dần thoát nghèo, trở nên khấm khá.

Ghi nhận ở Hưng Yên

Rời Bắc Giang, chúng tôi đến thăm các gia đình được vay vốn cận nghèo ở tỉnh Hưng Yên. Ghé thăm gia đình anh Trần Quốc Đạt, khu phố An Đông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, chúng tôi được nghe câu chuyện về hành trình vượt khó thoát nghèo của anh. Vợ chồng anh cưới nhau 3 - 4 năm, dù cố gắng xoay xở đủ nghề song kinh tế vẫn túng thiếu. Là người biết lo toan, mỗi lần nghe đài, báo nói về những cách làm ăn mới cho hiệu quả, năng suất cao, anh không khỏi suy nghĩ. Thế nhưng không có vốn thì không làm được gì, anh Đạt chia sẻ.

May mắn từ giữa năm 2013, biết thông tin về chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, sau khi bàn bạc cùng vợ, anh tìm đến Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hỏi thủ tục và đăng ký vay. Tháng 6/2013, gia đình anh được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò sữa và lợn nái sinh sản. Vối số tiền ấy, anh mua 2 con lợn đẻ, sau đó mạnh dạn vay mượn thêm anh em, bạn bè nuôi lợn thịt và bò sữa. Nhờ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định.

Vừa xuất đàn gà thương phẩm hơn 40 triệu đồng, anh Cách chuẩn bị cho đợt giống mới

Vừa xuất đàn gà thương phẩm hơn 40 triệu đồng, anh Cách chuẩn bị cho đợt giống mới

Hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Cách ở thôn Trung Hòa, xã Phúc Thịnh, huyện Kim Động cũng rất éo le. Vợ mất, anh một mình “gà trống nuôi con” ăn học nên cuộc sống thiếu thốn trăm bề. Đang trong lúc khó khăn, anh được NHCSXH cho vay 25 triệu đồng để phát triển trang trại gà, lợn thương phẩm. Cũng nhờ đồng vốn này mà bố con anh thoát khỏi cảnh bần hàn. Giờ con gái anh đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định, số lợn, gà trong chuồng ngày càng tăng và cho thu nhập ổn định.

Từ câu chuyện của những hộ gia đình chúng tỏi đến thăm, có thể khẳng định, chương trình cho vay hộ cận nghèo thật sự có ý nghĩa đối với các hộ dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế, những hộ cận nghèo có mức thu nhập và đời sống không khác hộ nghèo là bao. Nếu không may gặp phải dịch bệnh hay giá nông sản xuống thấp thì nguy cơ tái nghèo rất cao. Trong khi hộ nghèo được hưởng khá nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước thì hộ cận nghèo lại không được thụ hưởng. Chính vì vậy, chính sách tín dụng dành cho hộ cận nghèo được đánh giá là chủ trương kịp thời, mang tính nhân văn và củng cố vững chắc thành quả giảm nghèo của của địa phương. Qua thực tế giải ngân mới thấy, nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn, trong khi nguồn vốn có hạn. Hy vọng thời gian tới, cấp trên phân bổ vốn nhiều hơn nữa để giải quyết được phần nào nhu cầu của người dân.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Doãn Thị Chuyên - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Hưng Yên, cho biết: Trong năm 2013, nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu của các hộ cận nghèo trong tỉnh dù nguồn vốn cho vay đã lên đến 106 tỷ đồng (trong khi vốn cho Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên là 54 tỷ đồng, hộ nghèo 20 tỷ đổng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 15 tỷ đổng…). Điều đó cho thấy, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, nhu cầu vay vốn của hộ cận nghèo là rất cao và đây cũng là nguồn lực hỗ trợ có ý nghĩa. Năm 2014, chúng tôi kiến nghị cấp trên tiếp tục bổ sung nguồn vốn vay đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo. Mặc dù chưa thể giải quyết hết nhu cầu của người dân nhưng cũng sẽ giúp cho những hộ có nhu cầu cấp thiết về vốn có điều kiện, cơ hội cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững.

Thiết nghĩ, để hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, bên cạnh đồng vốn của Chính phủ, cần hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong việc định hướng, tư vấn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bài và ảnh Nhất Nam

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác