Vùng cao Sơn Động ngày cuối năm

30/12/2013
(VBSP News) Cuối năm, chúng tôi thực hiện chuyến đi tìm hiểu cuộc hành trình của tín dụng ưu đãi ở một vùng cao phương Bắc. Vào đúng dịp này, Tổ chuyên viên thuộc Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Giang do Giám đốc Ngô Gia Quát dẫn đầu cũng có chương trình về cơ sở kiểm tra, đôn đốc việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, chặng nước rút của NHCSXH huyện Sơn Động. Thế là nhà báo và Giám đốc ngân hàng đi chung một chuyến xe điền dã lên vùng cao.
Vốn vay ưu đãi được NHCSXH tỉnh Bắc Giang giải ngân ngay tại Điểm giao dịch xã

Vốn vay ưu đãi được NHCSXH tỉnh Bắc Giang giải ngân ngay tại Điểm giao dịch xã

Không khó đi như ở các tỉnh miền núi Tây Bắc, Việt Bắc mà ngày nay đi lên Sơn Động - vùng núi cao xa nhất của tỉnh Bắc Giang, giao thông rất thuận tiện. Đi qua thị trấn An Châu, xe chúng tôi lướt nhanh trên con đường nhựa mới mở, thẳng tiến về miền biên viễn. Con đường dẫn đến Quốc lộ 279 xuyên qua cánh rừng Đình Lập ra Móng Cái (Quảng Ninh), ngược Lộc Bình (Lạng Sơn).

Còn hiện tại, chúng tôi đang đi trên đoạn đường thuộc địa phận vùng cao Sơn Động. Ngồi bên cạnh tôi là Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang Ngô Gia Quát, một con người gắn bó với nghề gần 30 năm và đã có nhiều trải nghiệm, nhớ lại: “11 năm trước, hồi mới thành lập, ngân hàng chúng tôi bộn bề khó khăn, nguồn vốn chỉ vài ba chục tỷ đồng. Song gian nan thử thách hơn vẫn là công tác triển khai thực hiện đồng loạt nhiều chương trình tín dụng ưu đãi trên một địa bàn rộng lớn, có đến 6 huyện miền núi trong tổng số 10 huyện, thành phố là Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Tân Yên, Lạng Giang có tỷ lệ hộ nghèo khá cao; riêng huyện Sơn Động, nơi chúng ta đang đến, ở vào thời điểm năm 2008 có số hộ nghèo cao nhất tỉnh, với 7.548 hộ, chiếm 52%, là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Bất chợt, Giám đốc Quát, nói rành rẽ: “Nhà báo biết không, cũng chỉ 2, 3 năm sau thôi, NHCSXH tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Sơn Động nói riêng đã chuyển động vươn lên đổi mới về nhân lực, nguồn vốn, về trình độ chuyên môn, máy móc thiết bị… góp phần cùng các ban, ngành nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng ưu đãi, đánh thức vùng đất nghèo, tiếp sức mạnh cho người dân vượt khó, làm giàu. Bây giờ với 10 cán bộ, viên chức, NHCSXH vùng cao Sơn Động đảm nhận đến 9 chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, chuyển tải đều đặn trên 280 tỷ đồng đến khắp 23 xã, thị trấn, bất kể những xã đặc biệt khó khăn, thuộc vùng sâu, vùng xa và cho vay đến từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, chăm lo cuộc sống. Các báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm gần đây đều đánh giá rất cao nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, khẳng định nguồn vốn ưu đãi góp phần không nhỏ trong chương trình giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Đơn cử năm 2006, toàn tỉnh Bắc Giang có tới 111.300 hộ nghèo, chiếm 36,67% tổng số hộ, nhưng đến hết năm 2012, số hộ nghèo giảm xuống còn 51.114 hộ (tỷ lệ 12,12%). Riêng huyện nghèo nhất tỉnh là Sơn Động tỷ lệ hộ nghèo 52% trước năm 2008, đến nay chỉ còn 2.356 hộ nghèo (tỷ lệ 13,8%) và 1.201 hộ cận nghèo, chiếm 8,5%. Tính chi ly, tỷ lệ hộ nghèo ở Sơn Động bình quân hằng năm giảm 4,18%. Đây đúng là kết quả của giải pháp ưu tiên, tập trung đầu tư vốn chính sách mang tính chất vùng trọng điểm nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước”.

Chúng tôi đến xã Yên Định lúc 8 giờ sáng, Giám đốc NHCSXH huyện Sơn Động Trần Văn Tuyên đã tới đây từ sớm để đón tiếp. Tuy làm lãnh đạo lại không phải là người địa phương nhưng Tuyên có sự hiểu biết tường tận về vùng quê này đến mức khâm phục; anh nói thuộc mà chính xác gần như không cần liếc qua sổ sách. Yên Định là một xã vùng cao thuộc Sơn Động, có diện tích tự nhiên hơn 29km2 với 699 hộ dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Dao… sinh sống. Yên Định cũng là xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn), trước đây có tỷ lệ hộ nghèo cao nên được Nhà nước đầu tư nhiều nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, hiện tổng dư nợ đạt 16,3 tỷ đồng. Chính nhờ vậy mà bộ mặt vùng quê này đang thay đổi kỳ diệu. Nhiều hộ dân tộc thoát hết cảnh nghèo khó, xây nhà ở khang trang; dồn sức phát triển kinh tế, chuyển dịch định hướng cây trồng, vật nuôi.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Triệu Thị Ngà, dân tộc Dao ở thôn Nhân Định là nông dân điển hình trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi. Trước năm 2007, cả nhà chị còn phải tá túc trong túp lều tranh dột nát. Thấy vậy, Chi hội phụ nữ thôn đã nhận giúp đỡ gia đình chị vay 30 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi. Bên cạnh đó, mỗi khi địa phương mở lớp tập huấn chuyển giao KHKT, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện và Hội Phụ nữ xã đã thông báo cho chị đến dự học và tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi. Vậy là, cùng một lúc gia đình chị Ngà được cả hai “con cá” và “cần câu”. Sau 2 năm chăm chỉ làm lụng, gia đình chị đã gây dựng được cơ ngơi kha khá, bao gồm 6 con bò, 20 con lợn, 300 con gà thịt, 1ha đỗ xanh, đỗ tương. Nhà ở 3 gian vừa xây xong sạch sẽ, vững chắc; năm 2013, chị thu lãi từ trồng trọt, chăn nuôi ngót trăm triệu đồng.

Rời Yên Định, chúng tôi lại lên đường thăm xã Long Sơn, một xã nằm sâu hút giữa dẫy đồi cao ngất ngưỡng cuối huyện Sơn Động. Từ rất xa, mọi người đã nhận ra những cánh rừng thông, keo, bạch đàn xanh ngút ngát nhấp nhô như sóng lượn. Chủ tịch UBND xã là Ngọc Tiến Lê, năm nay 34 tuổi, cho biết: “Long Sơn giờ không còn đất trống, đồi trọc. Nhân dân cũng không còn nhút nhát, ngại ngần vay vốn của NHCSXH như trước đây nữa. Toàn xã hiện có 388 hộ sử dụng 14 tỷ đồng vốn vay của NHCSXH huyện, trồng được hơn 2.000ha rừng kinh tế. Một số gia đình dân tộc Dao, Tày, Nùng nhờ sự hỗ trợ của đồng vốn ưu đãi phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng thoát cảnh nghèo khổ, mua sắm được cả ô tô bán tải. Cũng theo ông Lê thì thu nhập chính của người dân Long Sơn dựa vào các cây trồng đặc thù là rừng nguyên liệu giấy, ba kích, nấm lim, măng tre. Hộ có thu nhập cao và trả nợ, nộp lãi đầy đủ cho NHCSXH xuất hiện rất nhiều. Anh đã thống kê một loạt các hộ thoát nghèo bền vững, làm giàu nhanh như ông Nguyễn Văn Hạp ở thôn Thượng trồng 3,8ha thông, 2ha keo từ nguồn vốn dự án Việt Đức và 30 triệu đồng vốn ưu đãi của NHCSXH để hàng năm, lãi ròng từ kinh tế đồi rừng lên đến một trăm triệu đồng”.

Chúng tôi dạo quanh các thôn Thượng, Trung, Hạ. Quả thật, nếu không đến tận nơi chắc sẽ không thể hình dung được sự tác động tích cực trực tiếp của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần cho những làng quê vùng cao xa xôi trù phú, bình yên. Ngay cả những vùng đặc biệt khó khăn này cũng đang có những con đường lớn nối tiếp chạy dài và những căn nhà mọc lên san sát kiên cố, khang trang, rồi những trẻ em nô nức cắp sách đến trường và những người già đã cảm nhận thấy cuộc sống ngày nay thật là tốt đẹp, ý nghĩa.

Tạm biệt vùng cao Sơn Động, chia tay Giám đốc, cùng cán bộ, viên chức NHCSXH ở lại đây là các anh chị em với công việc thường nhật, chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho miền đất đồi phát triển.

Bài và ảnh Đông Dư - Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác