Giấc mơ đại ngàn

30/12/2013
(VBSP News) Sau nhiều thập kỷ tìm kiếm, cuối cùng thế hệ lãnh đạo của tỉnh Hà Giang đã tìm được cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nhằm tạo bước đột phá thu nhập cho đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc.
Công nhân Công ty Bình Minh 3 chăm sóc cây dược liệu

Công nhân Công ty Bình Minh 3 chăm sóc cây dược liệu

Từ mô hình “2 con bò, 600 khóm cỏ”…

Trong 6 huyện nghèo của Hà Giang, có 4 huyện nằm trong vùng cao nguyên đá, đó là Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh thiếu cả hai yếu tố cần nhất cho sự sống là đất và nước. Thực hiện công cuộc xóa nghèo, ngoài sự trợ giúp của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án; các huyện nghèo ở Hà Giang vận động bà con các dân tộc tận dụng những lợi thế, khai thác tiềm năng sẵn có chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Ông Thào Seo Lừ - dân tộc Mông ở bản Pa Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc cho biết: “Trước đây nhà mình cũng nuôi một con bò, giống bản địa, vóc dáng bé nhỏ, nuôi mãi không lớn. Ngày ngày phải đi cả chục cây số, vào tận rừng sâu mới cắt được bó cỏ gùi về. Mùa đông cỏ càng hiếm, bò bị đói, bị rét, bị ốm lăn đùng ra chết. Bà con bảo “con ma nó làm”, nên không dám nuôi bò nữa. Cách đây 3 - 4 năm, cán bộ khuyến nông xuống tận bản, vào tận nhà vận động nuôi bò. Huyện có chính sách khuyến khích: hỗ trợ người mua giống cỏ với định mức 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn nuôi bò với mức vay từ 5 - 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm. Nghe cán bộ nói, ưng cái bụng. Mặc dù, vợ con can, nhưng mình vẫn quyết tâm nuôi. Được huyện hỗ trợ, NHCSXH cho vay 20 triệu đồng, mình mua một con bò lai, to lớn hơn giống bò Đồng Văn. Có bò, được cán bộ đến “cầm tay, chỉ việc” cách nuôi bò lai; kỹ thuật trồng cỏ, ủ cỏ làm thức ăn dự trữ cho bò trong mùa đông. Kết quả, qua 3 năm trồng cỏ, nuôi bò, đến nay gia đình có 3ha cỏ và 10 con bò. Mình làm được, các hộ trong bản cũng làm theo. Giờ thì nhà nhà nuôi bò”. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Sùng Mí Thế, thông qua dự án cho các hộ nghèo vay vốn phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, 3 năm qua đã có 1.738 hộ vay vốn NHCSXH, với dư nợ gần 30 tỷ đồng.

Đến “đại” dự án 10.000ha dược liệu

Tuy không có “thiên thời, địa lợi” để làm nông nghiệp hay phát triển kinh tế, nhưng 6 huyện nằm trong chương trình 30a của Hà Giang vẫn có những lợi thế lớn là độ cao lý tưởng, khí hậu quanh năm mát mẻ, rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển. Qua kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Viện dược liệu và Viện rau quả Trung ương, cho thấy: vùng khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở 6 huyện nghèo của tỉnh Hà Giang lại rất phù hợp để trồng cây dược liệu.

Chính phủ đã có văn bản chấp thuận cho tỉnh Hà Giang lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa nghèo tại 6 huyện trong chương trình 30a của tỉnh, bao gồm: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Dù mới đi những bước đầu tiên, nhưng người dân và chính quyền địa phương đã có niềm tin vào thành công của dự án. Ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, được tỉnh giao xây dựng dự án phát triển cây dược liệu, cho biết: Theo kết quả điều tra, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện có hơn 1.000 loài dược liệu, với tổng diện tích trên 7.000ha. Cây dược liệu được phân bổ tại tất cả các huyện trong tỉnh. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hà Giang sẽ triển khai dự án quy mô phát triển 10.000ha cây dược liệu tại 6 huyện nghèo trong chương trình 30a. Qua đó, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng trên 50.000 lao động hằng năm, góp phàn tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh, dự kiến từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm từ việc thu mua dược liệu. Góp phần thực hiện thắng lợi chương trình 30a của Chính phủ, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng tỉnh Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây dược liệu quốc gia, phấn đấu sớm thoát ra khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển, xứng đáng là điểm sáng nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc. Và, trong tương lai, tỉnh Hà Giang mong muốn cây dược liệu sẽ kết hợp chặt chẽ với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, hình thành nên các dịch vụ phụ trợ như ẩm thực dược liệu, du lịch dược liệu, chữa bệnh dược liệu… thúc đẩy du lịch phát triển. Cùng với chương trình phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, “đại” dự án trồng 10.000ha dược liệu Hà Giang đang mơ… giấc mơ đại ngàn.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác