Vốn vay dành cho hộ cận nghèo ở Khánh Hòa đang phát huy hiệu quả

28/04/2014
(VBSP News) Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, hàng trăm hộ cận nghèo ở tỉnh Khánh Hòa đã có điều kiện đầu tư để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình và đã có không ít hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ có nguồn vốn vay mà gia đình ông Nguyễn Văn Nam đầu tư phát triển cây mía đường

Nhờ có nguồn vốn vay mà gia đình ông Nguyễn Văn Nam đầu tư phát triển cây mía đường

Trước năm 2013, chính sách tín dụng ưu đãi chỉ đến với hộ nghèo, trong khi khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo chênh lệch không bao nhiêu. Thực tế đã có không ít hộ cận nghèo rơi vào tình cảnh tái nghèo. Vì thế, nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của họ là chính đáng. Đáp ứng nhu cầu thiết thực, chính đáng ấy, ngày 23/2/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2013/QÐ-TTg về việc cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh. Quyết định này đã tiếp sức cho các hộ cận nghèo cả nước nói chung, ở Khánh Hòa nói riêng có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, chương trình này còn góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo tiền đề giảm nghèo bền vững cho người dân tỉnh Khánh Hòa.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Nam, ở xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), một trong những hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH đầu tư trồng cây mía đường. Cũng như nhiều gia đình khác ở đây, thu nhập chính của ông Nam chỉ dựa vào mấy sào lúa nước và một ít đất rẫy trồng hoa màu. Vì vậy, để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, vợ chồng ông phải đi làm thuê, mà chủ yếu là đi chặt mía thuê. Vào giữa năm 2013, ông Nam được biết ngân hàng đang triển khai cho những hộ cận nghèo vay vốn để phát triển kinh tế nên ông đã mạnh dạn gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn và được NHCSXH giải ngân hơn 20 triệu đồng. Có vốn, ông Nam đấu thầu hơn 6ha đất trồng mía của xã, đồng thời mua phân, giống mía mới về trồng. Cần cù chăm sóc, vụ mía năm 2013 đạt năng suất trên 60 tấn/ha, bán với giá 900.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 40 triệu đồng/năm. Ông Nam chia sẻ: “Trước đây, do không có vốn đầu tư mở rộng sản xuất nên kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn từng ngày. Thế nhưng, nhờ ngân hàng cho vay vốn hộ cận nghèo nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng mía và bước đầu đem lại hiệu quả”.

Cũng thuộc hộ cận nghèo và được vay số tiền 20 triệu đồng, gia đình anh Huỳnh Văn Tới ở xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh lại đầu tư thả nuôi cá lóc, sau 3 tháng đã cho thu hoạch vụ đầu, trừ chi phí lãi được hơn 7 triệu đồng. Hiện tại, ngoài đóng lãi hàng tháng cho ngân hàng, anh Tới còn đầu tư mở rộng ao nuôi cá lóc và thả thêm nhiều loại cá trên ruộng lúa. Anh Tới cho biết: “Với số vốn vay đã và đang phát huy hiệu quả, tin rằng gia đình sẽ thoát được nghèo trong nay mai…”.

Để đưa nguồn vốn đến tận những hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, ngoài việc thành lập hơn 134 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và xây dựng hơn 2.652 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa còn vận động nhân viên về tận các xã, thôn làng để hỗ trợ và giúp đỡ những ai có nhu cầu làm thủ tục vay vốn. Và để vốn vay phát huy hiệu quả; đồng thời người dân trả nợ đúng thời hạn, cán bộ ngân hàng đã chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể và ngành khuyến nông, khuyến lâm… để trợ giúp bà con chăn nuôi, trồng trọt các giống cây, con phù hợp. Nhờ vậy mà đến nay, hầu hết các hộ cận nghèo có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn từ chương trình này. Ông Đỗ Minh Thạnh - Bí thư Đảng ủy xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, cho biết: “Cùng với những sự hỗ trợ khác, nguồn vốn vay dành cho hộ cận nghèo đã tạo thuận lợi cho người dân địa phương có điều kiện mua cây, con giống… phát triển kinh tế gia đình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đây cũng là tiền đề giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới để về đích đúng hẹn”.

Theo lãnh đạo NHCSXH tỉnh Khánh Hòa, chương trình cho vay hộ cận nghèo luôn nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Hơn nữa, hệ thống NHCSXH có sẵn các Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản nên công tác triển khai rất thuận lợi. Tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có hơn 11.230 hộ cận nghèo vay hơn 225 tỷ đồng (mức vay bình quân 20 triệu đồng/hộ). Riêng quý I/2014 đã cho 4.198 hộ vay hơn 91 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn là nguồn lực hỗ trợ có ý nghĩa đối với các hộ cận nghèo trong sản xuất, kinh doanh. Năm 2014, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 58.523 hộ cận nghèo và đa số các hộ này đều mong muốn tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư làm ăn. Chính vì vậy, NHCSXH cần bổ sung thêm cho chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa khoảng 50 tỷ đồng nữa giúp các hộ cận nghèo có vốn làm ăn. Có như vậy mới giải quyết hết nhu cầu của hộ cận nghèo, giúp họ có điều kiện, có cơ hội cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Có thể nói, chủ trương hỗ trợ vốn cho hộ cận nghèo phát triển kinh tế không chỉ tạo tiền đề giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, còn góp phần vào công cuộc bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Mong rằng trong thời gian tới các cấp, các ngành, hội, đoàn thể, địa phương cần tích cực phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh Khánh Hòa triển khai nguồn vốn đến tất cả các hộ cận nghèo.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác