Triệu phú Khmer - Phum sóc nào cũng có
An Giang có diện tích tự nhiên 3.424km2, với hơn 2,1 triệu dân, có 4 dân tộc anh em là Kinh, Hoa, Khmer và Chăm cùng sinh sống. Với 100km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia, người dân Khmer chiếm tỷ lệ khá nhiều ở vùng đất này. Theo số liệu thống kê, An Giang có trên 91 nghìn người Khmer, với trên 21.410 hộ, chiếm tỷ lệ 4,65% dân số toàn tỉnh, chủ yếu sống tập trung ở hai huyện vùng Bảy Núi là Tri Tôn và Tịnh Biên (trên 73 nghìn người).
Trong những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh An Giang đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư bằng nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội như: Quyết định số 816/QĐ-TTg, ngày 04/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp các hộ dân tộc Khmer nghèo không có đất hoặc thiếu đất sản xuất và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chương trình 134, 135 và Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ… Trên địa bàn hai huyện, các cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp giúp hộ nghèo một cách thiết thực: Tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; tổ chức các phong trào: “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”…
Theo UBND huyện Tri Tôn, những năm qua trên địa bàn huyện có 11 chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH được áp dụng khá hiệu quả, với tổng dư nợ trên 243 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 6.561 lượt hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi thoát nghèo; 1.225 hộ gia đình phát triển đàn bò, 818 hộ nghèo được xây dựng nhà ở, 1.752 hộ gia đình được cải thiện môi trường sống. Đón mừng lễ Chool Chnăm Thmay - Tết cổ truyền năm 2014 vừa qua, anh Chau Sóc ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn khoe: Được NHCSXH cho vay 200 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Nhờ vậy, hoạt động chăn nuôi, mua bán bò thêm thuận lợi, góp phần cho gia đình dồn sức chăm lo việc học cho con trai lớn Chau Xây La Vi Soth đang học năm thứ 2, khoa Tài chính - Ngân hàng - Đại học An Giang và con gái kế Xây La Sóc Kunh Thia đang học năm thứ 2, khoa Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ. Hiện, trang trại bò của Chau Sóc có 150 con. “Bò giống, bò sinh sản bán về các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… còn bò vỗ béo, bò thịt bán cho thương lái đi Sài Gòn” - anh Chau Sóc cho hay.
Do cơ giới hóa đồng ruộng ngày càng phát triển, con bò trở thành vật nuôi hàng hóa, tăng thu nhập kinh tế gia đình cho đồng bào Khmer. Tại huyện Tịnh Biên gần 300 hộ gia đình Khmer được các ngành, các cấp mở các lớp dạy nghề chăn nuôi bò và được NHCSXH cho vay vốn phát triển đàn bò. Ông Phạm Văn Năng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lợi, cho biết: Toàn xã có 2.521 hộ, trong đó đồng bào Khmer chiếm 54%. Trong những năm qua, chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào Khmer đã góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo. Tính từ năm 2012 - 2013, xã Tân Lợi giảm nghèo từ 34% xuống còn 17%. Xã đã cất được 183 ngôi nhà cho hộ nghèo. Thực hiện theo Đề án 25 có 175 hộ được thụ hưởng, mỗi hộ vay vốn 10 triệu đồng từ NHCSXH. Anh Chau Rim ở ấp Tân Long, được Nhà nước cấp 1 ngôi nhà theo chương trình 134 vào năm 2007, năm 2010 gia đình còn được vay vốn 10 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tịnh Biên để chăn nuôi bò trong vòng 3 năm không tính lãi và được hỗ trợ 3 triệu đồng không hoàn lại để làm chuồng trại. Ngoài chăn nuôi bò, anh Chau Rim còn nấu đường thốt nốt, kiếm thêm thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. “Cuộc sống gia đình được cải thiện hơn trước nhiều, nhà cửa khang trang, có tivi, xe máy… tết Chol Chnăm Thmây năm nay vui lắm” - anh Rim khoe.
Thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, năm 2013 toàn tỉnh An Giang đã xét chọn hơn 3.000 nông dân Khmer đạt danh hiệu “Nông dân giỏi” 3 cấp, phần lớn tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khai thác sản xuất đặc thù địa phương để thoát nghèo bền vững và làm giàu. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn, Trần Nam Dương, tự hào: “Bây giờ, nói đến triệu phú người Khmer thì hình như phum, sóc nào cũng có. Bởi, sản xuất được Nhà nước tạo điều kiện, NHCSXH cùng đồng hành, bà con đổi mới cách làm ăn”.
Khi cuộc sống được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc thì con em đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi được đến trường. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở các xã, thị trấn miền núi và nhiều nơi có đồng bào dân tộc Khmer được xây dựng khang trang. Điều dễ nhận thấy là những ngôi chùa Khmer ngày nay được trùng tu, tạo cảnh quan bắt mắt du khách gần xa mỗi khi về Bảy Núi. Qua đó, vị thế ngôi chùa Khmer, trung tâm sinh hoạt cộng đồng phum, sóc ngày càng được nâng lên. Hoà thượng Chau Cắt - Phó Ban Trị sự Phật giáo huyện Tịnh Biên, nói: “Sư xin đại diện cho bà con Khmer huyện Tịnh Biên, Tri Tôn cám ơn Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn giúp bà con Khmer vươn lên ổn định cuộc sống, tạo nên diện mạo mới trong phum, sóc đồng bào Khmer Bảy Núi - An Giang”.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Chuyện về một gia đình nghèo vượt khó
- » Dư nợ của xã Ngọc Hội tại NHCSXH đạt hơn 15 tỷ đồng
- » “Cú hích” giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tham gia Chương trình “Đối thoại cải cách hành chính”
- » Nguồn lực giúp đồng bào thoát nghèo
- » Cầu nối giúp dân nghèo làm giàu
- » Hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo
- » Bắc Kạn triển khai công tác giảm nghèo năm 2014
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Yên Bái họp phiên thường kỳ quý I/2014