Dư nợ của xã Ngọc Hội tại NHCSXH đạt hơn 15 tỷ đồng

25/04/2014
(VBSP News) Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tín dụng chính sách, rất nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã bớt đi gánh nặng về vốn, chủ động đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, thoát dần cảnh nghèo khó, ổn định cuộc sống.
Phụ nữ Chiêm Hóa thoát nghèo từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả

Phụ nữ Chiêm Hóa thoát nghèo từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả

Theo sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện, chúng tôi đã vượt qua hàng chục cây số đường rừng, đèo dốc quanh co để đến xã Ngọc Hội nằm giáp danh huyện Chiêm Hoá và Na Hang. Rót nước trà xanh mời khách, chị Bàn Thị Mai - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Được sự giúp đỡ của NHCSXH và Hội Phụ nữ huyện Chiêm Hoá, Hội Phụ nữ xã Ngọc Hội đã xây dựng và quản lý hoạt động 13 Tổ tiết kiệm và vay vốn của toàn xã, thu hút 606 hội viên tham gia sinh hoạt tổ đều đặn. Hiện tại, hội đang thực hiện uỷ thác vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 9,5 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ ở mức 0,7%/tổng dư nợ. Giúp cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, mở rộng mô hình, quy mô sản xuất; đồng thời, thường xuyên đôn đốc các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thu lãi của các tổ viên, nộp lãi đúng kỳ hạn, đầy đủ cho ngân hàng. Ngoài ra, các Chi hội phụ nữ ở thôn, xóm còn vận động hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm.

Chị Mai cũng đã dẫn chứng cụ thể một số mô hình kinh tế hiệu quả nhờ sự tác động của nguồn vốn ưu đãi cho chị em phụ nữ vay vốn và trực tiếp tổ chức, quản lý sản xuất, ví như chị Hoàng Thị Nhâm ở thôn Khuôn Khục, sau nhiều lần xoay sở mọi cách làm ăn vẫn không thành công, đến năm 2009 được Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp, chị đã vay 15 triệu đồng của NHCSXH huyện để nuôi trâu sinh sản. Từ nguồn vốn vay ưu đãi cùng sự cần cù lao động, gia đình chị đã thoát nghèo. Ba năm sau, chị Nhâm vay tiếp 28 triệu đồng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn tập trung khai hoang mở đất, trồng 1.200 cây sơn và 1ha chè sạch giống tuyết san, quyết tâm mở hướng làm giàu ngay trên quê hương Ngọc Hội.

Còn chị Hoàng Thị Vỵ ở thôn Quân Cảnh, có ít đất canh tác, cuộc sống trước đây thiếu thốn nhiều nhưng được nguồn vốn ưu đãi tiếp sức, chị đã vượt qua khó khăn, nuôi cả đàn gà đồi với chuồng lợn giống cùng một số cây cam sành theo đúng quy trình kỹ thuật và thâm canh, phòng bệnh tốt, nên kinh tế gia đình khấm khá hẳn, trở thành gương điển hình phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện vùng cao Chiêm Hoá.

Ông Nguyễn Minh Phú - Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội cho biết, việc quan tâm lo cho dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền thôn, xã và các hội, đoàn thể trong xã. Đặc biệt, cần coi trọng mối quan hệ chặt chẽ với NHCSXH huyện, luôn thực hiện dân chủ, công khai, công bằng trong việc bình xét việc vay vốn cũng như tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Nhờ vậy, đến nay, tổng số vốn vay của xã Ngọc Hội tại NHCSXH lên đến 15,3 tỷ đồng. Đồng bào dân tộc vay vốn có ý thức trả lãi, trả nợ khi đến hạn cho ngân hàng rất cao. Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thực sự làm đòn bẩy, giúp địa phương giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, đẩy nhanh tốc độ xây dựng Nông thôn mới.

Bài và ảnh Trần Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác