Bắc Kạn triển khai công tác giảm nghèo năm 2014
Theo UBND tỉnh, năm 2013 Bắc Kạn đã tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, như hỗ trợ sản xuất, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được 67 lớp, giải quyết việc làm cho 4.530 lao động; 215 người đi xuất khẩu lao động. Hỗ trợ giáo dục, đào tạo, y tế, hỗ trợ nhà ở, trợ giúp pháp lý cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin… Đối với chính sách giảm nghèo đặc thù tại 2 huyện Ba Bể và Pác Nặm, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, năm 2013 huyện Ba Bể đã được cấp hơn 21 tỷ đồng, huyện Pác Nặm được cấp hơn 17 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và duy tu, bảo dưỡng công trình.
Với nhiều chương trình giảm nghèo được triển khai, năm 2013 sau khi rà soát, đánh giá và phúc tra, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Kạn giảm từ 20,39% năm 2012, xuống còn 18,55% năm 2013; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,05% so với cùng kỳ năm 2012, hiện còn 11,2%. Tuy vậy, theo đánh giá của UBND tỉnh, kết quả giảm nghèo năm qua đạt thấp so với kế hoạch và tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao so với mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ tái nghèo còn cao…
Hơn một thập kỷ hoạt động, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn được đánh giá là công cụ giảm nghèo hữu hiệu. Tính đến hết năm 2013, đơn vị đạt tổng dư nợ 1.187 tỷ đồng, tăng trên 20 tỷ đồng so với năm 2012. Với 46.600 hộ còn dư nợ, mức dư nợ bình quân 1 khách hàng từ 2,9 triệu đồng năm 2003, tăng lên 25 triệu đồng năm 2013. Năm 2013, có 5 chương trình dư nợ tăng so với năm 2012, đó là cho vay hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khoá khăn,…
Cho vay hộ cận nghèo là một chương trình mới của NHCSXH, nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao sức cạnh tranh hơn. Năm 2013, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn được phân bổ 43 tỷ đồng, trong đó thị xã Bắc Kạn là đơn vị dẫn đầu về cho vay hộ cận nghèo với 21 tỷ đồng. Chị Nguyễn Thị Oanh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 17, phường Sông Cầu cho biết: Tổ có 42 hội viên vay vốn với dư nợ trên 1 tỷ đồng, trong đó vay chương trình hộ cận nghèo trên 600 triệu đồng. Với nguồn vốn vay, chị em trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh đạt hiệu quả. Chị Lê Thị Đào là một ví dụ. Chị Đào được vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay hộ cận nghèo. Chị trồng 0,5ha rừng, đầu tư chăn nuôi lợn, gà. “Vay vốn giữa năm 2013, đến tháng 2/2014 tôi đã xuất bán 2 lứa lợn thịt và 2 lứa lợn con mang lại thu nhập trên 30 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, góp phần giúp gia đình dựng ngôi nhà mới thay thế ngôi nhà cũ kỹ lâu nay”, chị Đào bộc bạch. Năm 2014, thị xã Bắc Kạn được phân bổ thêm 2 tỷ đồng trong chương trình cho vay hộ cận nghèo, ông Ma Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch UBND thị xã, nhận xét: “Cấp uỷ, chính quyền và người dân trên địa bàn coi tín dụng chính sách là động lực để giúp hộ cận nghèo tránh tái nghèo, vươn lên làm giàu bền vững”!
Sau 1 năm triển khai cho vay hộ cận nghèo, NHCSXH tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền rộng khắp, thủ tục vay đơn giản, đúng quy định, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn đã giúp phát huy hiệu quả. Theo Giám đốc Trần Xuân Lễ, đây là cơ sở để năm 2014 NHCSXH Việt Nam phân bổ 60 tỷ đồng cho NHCSXH tỉnh Bắc Kạn để cho vay hộ cận nghèo. Tỉnh đã triển khai giao vốn cho các huyện, thị xã ngay từ đầu năm. Trong đó, một số huyện được tăng thêm như Chợ Mới 12 tỷ đồng, Ba Bể 11 tỷ đồng, Chợ Đồn 10 tỷ đồng. Cùng với Pác Nặm, Ba Bể là một trong 2 huyện nằm trong chương trình 30a của Chính phủ. Năm 2013, huyện được giao 2 tỷ đồng vốn cho vay hộ cận nghèo, năm nay thêm 11 tỷ đồng, qua kiểm tra hầu hết hộ cận nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, chủ yếu đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã và đang tạo ra động lực không nhỏ giúp cho các hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo số liệu của UBND tỉnh, đến cuối năm 2013, Bắc Kạn còn có 34.974 hộ cận nghèo. Có nghĩa, đối tượng vay vốn chương trình này còn tương đối lớn. Vấn đề quan trong trong quá trình triển khai là các hội, đoàn thể bên cạnh việc nhận ủy thác cho vay, cần tăng cường xây dựng các mô hình phù hợp với thực tiễn để đồng vốn phát huy hiệu quả.
Năm 2014, Bắc Kạn phấn đấu giảm 5% hộ nghèo (tương đương 3.748 hộ). Để công tác giảm nghèo đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Văn Du - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp cần tập trung nguồn lực rà soát, xác định nguyên nhân nghèo cụ thể của từng hộ từ đó có phương án khắc phục, giúp người dân thoát nghèo một cách phù hợp. Đồng chí cũng đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo trên tất cả các lĩnh vực, phát huy tối đa các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiêm túc triển khai Chỉ thị 23-CT/TU ngày 11/3/2014 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2015.
Hồ Minh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Yên Bái họp phiên thường kỳ quý I/2014
- » Hơn 4.500 hộ cận nghèo ở Tuyên Quang được tiếp cận vốn ưu đãi
- » Nông thôn Điện Biên đã hồi sinh
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lạng Sơn họp phiên thường kỳ quý I/2014
- » Tín dụng ưu đãi về vùng đất mới Cam Lâm
- » Hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi ở huyện Gia Viễn
- » Gần 64 nghìn hộ ở Khánh Hoà đang còn dư nợ vay chương trình NS&VSMTNT
- » Cho vay giải quyết việc làm ở Nam Định
- » Cần Thơ gần 1 năm cho vay hộ cận nghèo