Tín dụng ưu đãi về vùng đất mới Cam Lâm

14/04/2014
(VBSP News) So với các đơn vị bạn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì NHCSXH huyện Cam Lâm tuy được thành lập sau cùng, dựa trên cơ sở tách ra từ một phần huyện Diên Khánh và TX. Cam Ranh, nhưng đã có bước trưởng thành đáng ghi nhận, góp phần giúp địa phương giảm nghèo có kết quả và sớm về đích trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Cam Lâm chọn mô hình vườn cây ăn trái là động lực giảm nghèo

Cam Lâm chọn mô hình vườn cây ăn trái là động lực giảm nghèo

Tính đến nay, NHCSXH huyện đã “phủ sóng” tín dụng ưu đãi trên khắp vùng đất mới, Điểm giao dịch ở cả 14/14 xã, thị trấn trong toàn huyện với tổng dư nợ là 232 tỷ đồng, trong đó: Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đạt cao nhất với 74 tỷ đồng và 3.800 hộ vay, tiếp đến là hộ nghèo 63,6 tỷ đồng với 3.600 hộ vay vốn; ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho hộ cận nghèo vay, NHCSXH huyện Cam Lâm đã triển khai kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho 1.313 hộ tiếp cận nhanh chóng số vốn ưu đãi gần 30 tỷ đồng.

NHCSXH huyện Cam Lâm hiện là đơn vị có số dư nợ khá cao của tỉnh Khánh Hoà nhưng tỷ lệ nợ quá hạn lại rất thấp, chỉ chiếm 0,34% tổng dư nợ, đa phần rơi vào những trường hợp đối tượng gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh đang chờ cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Từ khi thành lập và hoạt động đến nay, cán bộ, nhân viên NHCSXH huyện Cam Lâm luôn bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của cấp uỷ, chính quyền địa phương và thường xuyên phối hợp với các hội, đoàn thể nhằm làm tốt công tác tín dụng chính sách, đưa nhanh nguồn vốn đến tận đối tượng được thụ hưởng, trợ giúp kịp thời nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Đơn cử như gia đình CCB Nguyễn Đình Kim ngụ tại xã Cam Thành Bắc. Khoảng 10 năm về trước, ông Kim đưa vợ con từ Đắk Lắk về vùng đất mới Cam Lâm lập nghiệp. Lúc đầu, do chưa quen thông thổ nên cuộc sống thiếu thốn đủ thứ. Nhà có đất vườn rộng nhưng toàn là đất pha cát bạc màu, tiền bạc không có để đầu tư sản xuất nên đành phó mặc cảnh vườn hoang, cỏ dại. Khó khăn chồng chất khó khăn. Đang lúc túng bấn, người CCB này được vay 20 triệu đồng giải quyết việc làm. Với số vốn vay, ông Kim đã bắt tay khởi nghiệp đầu tư vào chăn nuôi theo phương châm “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, “lấy ngắn nuôi dài”. Theo đà ấy, mỗi năm, mỗi vụ tích luỹ tiền nong, công sức, gia đình ông tiếp tục cải tạo đất vườn trồng cây ăn trái, mở mang chuồng trại chăn nuôi trên một ha đất cát, vườn hoang năm nào, vợ chồng ông Kim đã trồng xanh tốt hàng trăm gốc xoài cát giống Thái Lan, xây dựng 1.000m2 chuồng trại kiên cố, nuôi 700 con heo gia công cho 1 công ty nước ngoài; đào ao rộng gần 300m2 để nuôi cá diêu hồng, cá sấu và ba ba. Vậy là từ nguồn vốn chính sách, CCB Nguyễn Đình Kim đã sở hữu mô hình VAC khép kín, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 lao động trong gia đình. Hơn nữa, mô hình sản xuất này còn trở thành địa chỉ để người dân quanh vùng đến học hỏi kinh nghiệm tổ chức và cách thức sử dụng vốn vay hiệu quả.

Rõ ràng thời gian qua, NHCSXH huyện Cam Lâm đã thực hiện việc cho vay “công khai, dân chủ, đúng địa chỉ, an toàn và hiệu quả” đóng một vị trí vai trò quan trọng công tác giảm nghèo nhanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. NHCSXH huyện thực sự tiếp sức cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên vùng đất mới Cam Lâm vượt lên khó khăn, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tín dụng ưu đãi, giảm dần khoảng cách với hộ giàu và để mọi người dân thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Bài và ảnh Trần Kinh Tế

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác