Cho vay giải quyết việc làm ở Nam Định
Từ 5 triệu đồng vốn vay ưu đãi, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thất ở xóm 9, xã Giao Tân, huyện Giao Thuỷ đã đầu tư nuôi lợn nái. Chỉ một năm sau, gia đình anh đã thu được một khoản tiền kha khá do bán lợn giống. Những năm tiếp theo cứ mỗi lần lợn xuất chuồng là thêm một lần tích cóp, giúp gia đình anh vượt qua nghèo khó và thôi thúc khát vọng làm giàu của người nông dân miền biển Giao Thuỷ. Nghĩ là làm, với số vốn dành dụm được, vợ chồng anh Thất tính toán đến chuyện chuyển đổi mô hình sản xuất từ chăn nuôi sang làm nghề tiểu thủ công nghiệp. Qua tìm hiểu thị trường và nhu cầu của xã hội, anh quyết định lập dự án, tiếp tục vay 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để mua trang thiết bị mở xưởng sản xuất nông cụ và sửa chữa máy móc phục vụ nông nghiệp. Từ đó đến nay cơ sở cơ khí của anh thường xuyên có 15 lao động với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng gia đình anh tích luỹ được hơn 10 triệu đồng. “Qúa trình thoát nghèo của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Song cùng với nỗ lực, cố gắng của bản thân là sự trợ giúp đắc lực của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình tôi đã có cuộc sống đổi thay lớn lao, cảnh nghèo khó năm nào đã lùi hẳn vào dĩ vãng”, anh Thất chia sẻ.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị The ở thôn Hưng Thịnh, xã Hàng Nam, huyện Nghĩa Hưng trước đây còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sau khi tìm hiểu kỹ về chăn nuôi gia cầm, lại được Hội Phụ nữ xã bảo lãnh, chị The đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH để phát triển nuôi gà theo phương pháp công nghiệp. Nhờ tính toán hợp lý trong kinh doanh và áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia cầm nên lợi nhuận từ trại gà của gia đình chị ngày một tăng lên. Tại thời điểm này, trang trại tổng hợp của gia đình chị The đã có 4 dẫy chuồng nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, 3.600m2 ao cá, gần 2.000m2 trồng cây cảnh. Hằng năm, trang trại đã mang lại cho gia đình chị thu vài trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Chị The cho biết: “Gia đình tôi là khách hàng quen thuộc của NHCSXH đã 11 năm nay. Nguồn vốn ưu đãi của chương trình giải quyết việc làm với mức vay cao, lãi suất thấp cùng thời gian vay dài đã trở thành nguồn lực quan trọng cho gia đình tôi thoát nghèo bền vững, làm giàu nhanh”.
Ông Vũ Ngọc Thịnh - Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Nam khẳng định: Hiện dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt 21,7 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi này đã làm động lực, phát triển kinh tế cho các hộ dân ở nông thôn và tạo việc làm mới cho nhiều lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 12% năm 2011 xuống còn 9,7% năm 2013.
Để tiếp tục thực hiện có kết quả chính sách giảm nghèo, các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở tỉnh Nam Định tăng cường phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, tích cực tuyên truyền công tác tín dụng ưu đãi; động viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tranh thủ nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả, không để nợ tồn, lãi đọng, chú trọng nâng cao chất lượng uỷ thác, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng nguồn vốn ưu đãi nhanh chóng và hiệu quả
Bài và ảnh Quốc Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Cần Thơ gần 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Chư Pưh ưu tiên vốn cho vùng khó khăn
- » Quảng Ninh ưu tiên vốn cho vùng cao
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Hạ Hòa
- » Củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở vùng dân tộc miền núi Hà Giang
- » Đưa vốn chính sách lên vùng cao
- » Mở hướng làm giàu cho người dân
- » Tín dụng chính sách nơi vùng quê công giáo
- » Phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng tự vệ đỏ