Cần Thơ gần 1 năm cho vay hộ cận nghèo

04/04/2014
(VBSP News) Phường Trường Lạc, quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) là địa phương có dư nợ chương trình cho vay hộ cận nghèo lớn nhất quận, tổng số tiền trên 4,6 tỷ đồng, với 469 hộ vay vốn. Nguồn vốn này góp phần tạo động lực vươn lên, ổn định kinh tế cho rất nhiều hộ cận nghèo tại địa phương.
Nhờ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, các hộ nông dân nghèo ở Cần Thơ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững Ảnh: Trần Quốc

Nhờ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo, các hộ nông dân nghèo ở Cần Thơ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo bền vững
                                                                                                                                                              Ảnh: Trần Quốc

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lệ khu vực Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn có 10 người con nên hầu như chỉ việc kiếm đủ ăn đã may mắn lắm, nói gì đến chuyện thoát nghèo. Khoảng 10 năm trước, vợ chồng bà lặn lội làm thuê hết nơi này đến nơi khác, rồi quay sang bán đầu cá basa. Nghèo quá, không có tiền mua sắm phương tiện, bà Lệ mượn chiếc xuồng cũ của hàng xóm, ngược xuôi sông nước bán cá, còn chồng bà thì bán cá bằng chiếc xe đạp cà tàng đầu làng, cuối xóm. Nhớ lại lúc ấy, bà Lệ tâm sự: “Hồi đó, nhà tôi nghèo nhất xóm này, tưởng chừng không vươn lên nổi”. Năm 2009, bà Lệ được vay 7 triệu đồng đầu tư mở quán bán hàng ăn, nước giải khát tại nhà, nhờ làm ăn thuận lợi đến năm 2012, gia đình bà Lệ được chính quyền địa phương xét thoát nghèo, chuyển sang hộ cận nghèo. Dù vậy, Hội Phụ nữ tiếp tục đề nghị NHCSXH xét cho bà Lệ tiếp tục vay vốn ưu đãi. Bà Mai Thị Nguyện - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trường Lạc, cho biết: “Những hộ cận nghèo chí thú làm ăn, có mô hình kinh tế hiệu quả, hội phối hợp cùng ngân hàng cho vay vốn để giúp kinh tế gia đình phát triển bền vững, tránh tái nghèo”. Tâm trạng phấn khởi, bà Lệ cho chúng tôi biết bà được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo của NHCSXH để đầu tư chăn nuôi lợn, mang lại thu nhập cao, thoát nghèo bền vững”.

Rời gia đình bà Lệ, chúng tôi đến nhà chị Hồ Thị Kim Phượng, cùng ngụ khu vực Trường Trung. Trời xế chiều nhưng vợ chồng chị Phượng còn miệt mài sửa xe cho khách. Với cửa tiệm sửa xe khá tươm tất cùng dịch vụ giao nước đóng chai cho khách, vợ chồng chị Phượng đủ trang trải các chi phí sinh hoạt và nuôi 2 con ăn học. Chị Phượng cho biết, gia đình mình đủ ăn, phát triển kinh tế cũng nhờ vay nguồn vốn dành cho hộ cận nghèo từ NHCSXH. Trước đây, gia đình nhỏ của chị Phượng sống chung với cha mẹ chồng trong hẻm nhỏ nên khó mở tiệm sửa xe, phát triển tay nghề của chồng. Năm 2013, vợ chồng chị được vay 15 triệu đồng vốn dành cho hộ cận nghèo để đầu tư thiết bị, phụ tùng sửa xe. Chị Phượng bộc bạch: “Nếu không có nguồn vốn này, vợ chồng tôi không có được cửa tiệm làm ăn như thế này”. Hằng tháng, chị Phượng trả lãi đầy đủ, đúng hẹn và còn tích lũy vốn gửi tiết kiệm cho NHCSXH”.

Bà Trương Thị Ngọc Hằng - Giám đốc NHCSXH quận Ô Môn, cho biết: “Từ tháng 5/2013, Phòng giao dịch triển khai chương trình cho vay hộ cận nghèo. Nhờ thực hiện tốt các bước cho vay, các hộ vay vốn chương trình này nộp lãi rất tốt. Gần 1 năm triển khai nhiều hộ cận nghèo đã thoát nghèo bền vững, đời sống khá giả hơn và bắt đầu có tiền tích lũy, đời sống bắt đầu được nâng cao. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của các hộ cận nghèo vẫn còn cao. Để nguồn vốn ưu đãi này đến với các hộ có nhu cầu, NHCSXH quận Ô Môn kết hợp các địa phương rà soát từng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, nắm cụ thể những trường hợp có nhu cầu, đủ điều kiện để hỗ trợ vốn kịp thời”.

Theo Mỹ Tú - Báo Cần Thơ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác