Hơn 4.500 hộ cận nghèo ở Tuyên Quang được tiếp cận vốn ưu đãi
Chủ động phối hợp
Có thể nói, Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ ra đời không chỉ tiếp thêm sức mạnh mà còn là đòn bẩy cho những hộ cận nghèo khó khăn về kinh tế có điều kiện vươn lên cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo bền vững. Chưa kể quyết định này còn giúp chính quyền địa phương có thêm nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo. Cùng với đòn bẩy từ Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, khi triển khai thực hiện, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các Sở, ban ngành, các hội, đoàn thể làm dịch vụ ủy thác đã tạo điều kiện và chủ động phối hợp thực hiện.
Để người dân hiểu rõ hơn về chương trình cũng như đối tượng được thụ hưởng, NHCSXH đã phối hợp cùng chính quyền địa phương, các cấp hội, đoàn thể, Sở, ban ngành có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân. Đồng thời, chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ cận nghèo, từ đó tổng hợp báo cáo với NHCSXH Trung ương làm cơ sở bổ sung kịp thời nguồn vốn cho vay.
Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quy trình cho vay đối với cán bộ Ban giảm nghèo các xã, hội, đoàn thể nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn… Thông báo công khai tại 141/141 Điểm giao dịch xã và 7/7 trụ sở làm việc của ngân hàng cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện kèm theo. Đến nay, Tuyên Quang đã tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ NHCSXH tỉnh và các huyện; 127 lớp với 6.845 lượt người là cán bộ Ban giảm nghèo xã, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp huyện, xã, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Là huyện đứng đầu tỉnh về tổng dư nợ các chương trình tín dụng, ngay sau khi triển khai Quyết định 15, NHCSXH huyện Yên Sơn đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, căn cứ vào hoạt động thực tế tại địa phương để kiện toàn mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, NHCSXH huyện đã ủy thác cho 4 hội, đoàn thể giải ngân nguồn vốn và ký hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiết kiệm đến 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.
Gần 3.500 hộ được tiếp cận nguồn vốn
Đến ngày 31/3/2014, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã cho vay số tiền là 99,3 tỷ đồng; đưa dư nợ đạt tới 97,7 tỷ đồng với 4.511 hộ vay. Những hộ cận nghèo trước đây chưa được tiếp cận nguồn vốn thì nay được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Gia đình bà Ngô Thị Chúc ở xóm 11, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn vốn là hộ nghèo, đến năm 2013 thì thoát nghèo, trở thành hộ cận nghèo. Tuy nhiên, khi trở thành đối tượng cận nghèo, gia đình bà Chúc có nhu cầu vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế nhưng không được tiếp cận vì không phải là đối tượng thụ hưởng. Trong lúc “khát vốn”, tháng 6/2013, gia đình bà được vay 20 triệu đồng hộ cận nghèo. Cùng với số tiền vay được, bà mượn thêm tiền của anh em họ hàng mua 1 con trâu trị giá 30 triệu đồng. Kể từ khi có trâu, gia đình bà Chúc bớt được một khoản tiền lớn từ cày, bừa, phân bón; không những thế, kinh tế gia đình cũng từng bước được cải thiện.
Bà Chúc tâm sự: “Trước đây, khi chưa có trâu, gia đình tôi phải thuê máy lồng làm đất, mỗi vụ hết gần 1,5 triệu đồng. Từ khi có trâu, nhà tôi đều tự cày lấy. Không những thế, gia đình còn có phân để bón ruộng, rồi đi cày, bừa thuê, có thêm tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi biết ơn sự giúp sức của các cấp chính quyền địa phương, của NHCSXH đã tạo điều kiện cho hộ cận nghèo như chúng tôi được vay vốn phát triển kinh tế”.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi dành cho đối tượng cận nghèo mà giờ đây gia đình ông Bắc ở xóm 11, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn đã mua được ti vi, xe máy và nhiều vật dụng có giá trị trong nhà. Năm 2010, gia đình ông còn là hộ cận nghèo nhưng không được vay vốn, bản thân ông cũng e dè không tìm hiểu thủ tục vay vì lãi quá cao, do đó, chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất.
Trong lúc thiếu vốn, giữa năm 2013, ông được vay 20 triệu đồng để mở rộng chuồng trại cũng như tăng số lượng đàn lợn. Đến nay, gia đình ông có 14 con lợn thịt và 2 con lợn nái sinh sản. Ông Bắc cho biết: “Hiện, mỗi năm gia đình bán ra thị trường 2 lứa lợn, trừ chi phí, lời hơn 10 triệu đồng. Nhờ nuôi lợn mà gia đình tôi mua được tivi, xe máy, cuộc sống được cải thiện hơn trước”.
Ông Phan Văn Tiến - Giám đốc NHCSXH huyện Yên Sơn, cho biết: “Sau 1 năm cho vay, đơn vị đã giải ngân được 20,8/27 tỷ đồng (năm 2013 giải ngân đối tượng hộ cận nghèo là 15 tỷ đồng, năm 2014 là 12 tỷ đồng) với 1.089 hộ dư nợ. Chương trình đã tạo điều kiện cho các hộ khó khăn về vốn có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Sau khi tiếp cận vốn, các hộ sử dụng đúng mục đích và bước đầu có hiệu quả. Có thể nói, đây là chủ trương lớn của Chính phủ, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.
Hoàng Văn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Nông thôn Điện Biên đã hồi sinh
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lạng Sơn họp phiên thường kỳ quý I/2014
- » Tín dụng ưu đãi về vùng đất mới Cam Lâm
- » Hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi ở huyện Gia Viễn
- » Gần 64 nghìn hộ ở Khánh Hoà đang còn dư nợ vay chương trình NS&VSMTNT
- » Cho vay giải quyết việc làm ở Nam Định
- » Cần Thơ gần 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Chư Pưh ưu tiên vốn cho vùng khó khăn
- » Quảng Ninh ưu tiên vốn cho vùng cao