Nông thôn Điện Biên đã hồi sinh
Trả lời câu hỏi Điện Biên đã chuẩn bị hành trang gì cho tương lai, hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã rất gần? Ông Hoàng Văn Nhân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2013 đạt 9,64%. GDP bình quân đầu người năm 2011 là 694,4 USD/người/năm, năm 2013 đạt 918,3 USD/người/năm. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 235 nghìn tấn, lương thực bình quân đầu người là 445kg/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm 37,84%; công nghiệp, xây dựng 30,58%; nông - lâm nghiệp 31,78%. Khách du lịch đến Điện Biên tăng bình quân 8,6%/năm. Năm 2013, Điện Biên đón 365 nghìn lượt du khách, trong đó có 60 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch đạt 400 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với 2010…
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có 19 dân tộc sinh sống, với trên 80% dân số sống bằng nông nghiệp. Phát huy lợi thế đất đai màu mỡ, quỹ đất dồi dào phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây, toàn tỉnh đã chuyển đổi mạnh mẽ một số diện tích có năng suất thấp kém hiệu quả sang trồng rừng, cây cà phê, cao su, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế. Tỉnh đã hình thành các vùng lúa, ngô trọng điểm ở các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông từ đó mục tiêu an ninh lương thực được đảm bảo. Mặt khác, thông qua chủ trương dồn điền, đổi thửa, Điện Biên đã quy hoạch được những vùng có điều kiện về đất đai, khí hậu, hình thành những vùng lúa chất lượng cao, mang thương hiệu “gạo Điện Biên”…
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm hướng gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã trồng mới được trên 1.651ha cao su, 1.747ha cà phê, 124ha chè, nâng tổng diện tích cao su lên 4.000ha, cà phê lên 3.927ha, chè 577ha. Lãnh đạo tỉnh vào tận Tây Nguyên mời các doanh nghiệp chế biến cà phê lên Điện Biên xây dựng cơ sở chế biến. Phối hợp với Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam thành lập Công ty cao su Điện Biên, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động.
Theo con số thống kê, trong 3 năm (2011 - 2013), Điện Biên đã thu hút được 16.536 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Cũng trong 3 năm, tỉnh có 12.917 hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ từ các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015. Nếu như, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 50,1%, đến năm 2012 giảm xuống còn 38% và năm 2013 là 35,22%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, NHCSXH là công cụ hữu hiệu góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở Điện Biên. Sau hơn 11 năm hoạt động, với 8 Phòng giao dịch tại các huyện, thị, thành phố cùng mạng lưới 112 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. NHCSXH tỉnh đã tổ chức cho vay hiệu quả 11 chương trình tín dụng ưu đãi, đến năm 2013 đạt tổng dư nợ gần 1.500 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh, tạo điều kiện giúp hàng chục nghìn hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình vườn đồi, vườn rừng hiệu quả đã xuất hiện. Nhiều hộ nông dân đã vay vốn hàng trăm triệu đồng, lập trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, trồng hàng trăm ha rừng, trở thành những triệu phú nông dân và tạo ra những mô hình kinh tế được nhân rộng…
Điện Biên có 8 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố, trong đó: 5 huyện thuộc chương trình 30a (107/130 xã đặc biệt khó khăn). Một điều dễ nhận thấy ở nông thôn Điện Biên hôm nay là cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống nhân dân đã được Nhà nước quan tâm đầu tư. Hệ thống giao thông cơ bản được nâng cấp, cải tạo, giao thông thuận lợi hơn, Đến năm 2013, có 125/130 xã có đường ô tô đến được trung tâm; lưới điện quốc gia đến 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 125/130 xã có tỷ lệ số hộ được dùng điện đạt 76%. Tỉnh đầu tư xây dựng mới 45 công trình thuỷ lợi; nâng cấp, sửa chữa 60 công trình; đầu tư xây dựng mới 43km kênh loại 3; hệ thống trường học, trạm xá xây dựng ngày càng nhiều… Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Nông dân yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Bài và ảnh Hồ Minh Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Lạng Sơn họp phiên thường kỳ quý I/2014
- » Tín dụng ưu đãi về vùng đất mới Cam Lâm
- » Hiệu quả các nguồn vốn ưu đãi ở huyện Gia Viễn
- » Gần 64 nghìn hộ ở Khánh Hoà đang còn dư nợ vay chương trình NS&VSMTNT
- » Cho vay giải quyết việc làm ở Nam Định
- » Cần Thơ gần 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Chư Pưh ưu tiên vốn cho vùng khó khăn
- » Quảng Ninh ưu tiên vốn cho vùng cao
- » Tín dụng chính sách trên quê hương Hạ Hòa