Chuyện về một gia đình nghèo vượt khó
Dường như biết tin có cán bộ đến nên chỉ một loáng, căn nhà chị Thủy đã có khá nhiều người đến chơi. Trong câu chuyện ngắn ngủi với những người hàng xóm của bà nhưng chúng tôi phần nào vẫn cảm nhận được nghị lực, đức hy sinh và tinh thần vượt qua gian khó của bà Thủy và các con. Có lẽ sự lam lũ và bệnh tật đã khiến bà già hơn nhiều so với tuổi 50 của mình. Vậy, nhưng khi tâm sự về quan điểm nuôi dạy con cái của mình, bà đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Bà kể: “Trước đây, gia đình tôi tuy không khá giả nhưng cũng tạm đủ sống. Ruộng vườn chỉ có 3 sào nên vợ chồng tôi đã mở thêm quán bán thịt chó để có thêm thu nhập. Nhưng rồi đến tháng 7/2009, chỉ sau 1 tháng mổ cắt u, tôi lại phải mổ cắt một quả thận vì bị suy thận. Kinh tế của gia đình vì thế trở nên suy kiệt. Cùng thời gian này, cháu Xuân, sinh năm 1991, con gái đầu của tôi thi đỗ đại học Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế Thái Nguyên. Những tưởng không thể có điều kiện cho con ăn học nhưng vợ chồng tôi đều quyết tâm dù nghèo khó đến mấy, dù có phải bán nhà, bán ruộng, cũng phải để cho các con ăn học đến nơi, đến chốn. Tôi hiểu, chỉ bằng con đường học tập thì cuộc sống sau này của các cháu mới khá lên được. Trước hoàn cảnh của gia đình, chính quyền thôn, xã đã đưa gia đình tôi vào danh sách đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, lo cho các con ăn học.
Về phía các con bà, hiểu được gia cảnh và mong muốn của bố mẹ nên đều ra sức học tập và tu dưỡng đạo đức, không để bố mẹ phải phiền lòng. Noi gương chị, cậu em Tạ Khắc Hiếu sau khi tốt nghiệp THPT cũng đã thi đỗ vào Khoa Kỹ thuật điện tử - Đại học Công nghiệp Thái Nguyên. Cuộc sống gia đình bà thời điểm đó vốn đã rất khó khăn càng trở nên khốn đốn hơn khi chồng bà không may mắc phải căn bệnh ung thư não quái ác và chỉ sau vài tháng thì qua đời (năm 2011). Nén nỗi đau trong lòng, sau 100 ngày chồng mất, bà lên thành phố Thái Nguyên xin rửa bát thuê với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng để có điều kiện nuôi các con ăn học. Cho đến tháng 7/2013, khi cô con gái tốt nghiệp ra trường, bà mới thôi công việc rửa bát để cùng con về quê xin việc làm.
Ngồi bên mẹ, em Tạ Thị Xuân tâm sự: “Thời gian đầu mẹ phải cắt 1 quả thận, tiếp đó là bố qua đời đã khiến tâm trí em rối bời. Nhưng em luôn tự an ủi, động viên bản thân là chị cả trong gia đình, mình phải là chỗ dựa tinh thần để mẹ và em yên tâm. Và em nghĩ, cách tốt nhất để quên đi nỗi đau, sự chán nản là phải học thật tốt và tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi làm gia sư để có tiền trang trải cho sinh hoạt hằng ngày”. Với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, hiện Xuân đang làm việc cho một nhà thầu của Công ty Samsung. Tuy nhiên, thời gian thi công công trình của nhà thầu này sắp kết thúc nên Xuân đang phải tìm công việc mới. Xuân chia sẻ: “Em chỉ mong sớm tìm được công việc ổn định để giúp mẹ trả nợ ngân hàng và nuôi em ăn học”.
Hiện nay, bà Thủy đang vay của NHCSXH 84 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng vay theo chương trình hộ nghèo, số còn lại là vay tín dụng học sinh, sinh viên. Bà cho biết nếu không có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thì bà đã phải bán nhà để nuôi các con. Chị Lê Thị Tươi - Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tâm sự: “Tuy số tiền hộ bà Thủy vay khá nhiều nhưng chúng tôi tin tưởng, bà và các cháu sẽ trả nợ đúng hạn. Tuy là hộ nghèo nhưng bà con chúng tôi rất khâm phục và nể trọng tinh thần, nghị lực vượt khó của mẹ con bà Thủy. Số gia đình nghèo mà có cả 2 con học đại học như hộ bà Thủy ở xã tôi hầu như không có”.
Ông Hoàng Văn Liễu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sơn tiếp lời: “Là một trong 4 hội, đoàn thể trực tiếp nhận ủy thác với NHCSXH, chúng tôi rất vui trước kết quả học tập của các cháu. Chúng tôi tin tưởng, sau khi ra trường, các cháu sẽ trở thành những nhân tố quan trọng để xây dựng quê hương và giúp gia đình sớm thoát nghèo”.
Chia tay bà Thủy, chúng tôi thầm cảm phục tinh thần và nghị lực vươn lên của bà và các con. Ai đó đã nói “Con cái là của để dành của cha mẹ”, với sự chăm lo và đầu tư cho các con có được hành trang kiến thức cơ bản để bước vào đời, tin tưởng, sự hy sinh và công nuôi dưỡng của bà sẽ được các con bù đắp và đền đáp xứng đáng.
Theo Báo Thái Nguyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Dư nợ của xã Ngọc Hội tại NHCSXH đạt hơn 15 tỷ đồng
- » “Cú hích” giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tham gia Chương trình “Đối thoại cải cách hành chính”
- » Nguồn lực giúp đồng bào thoát nghèo
- » Cầu nối giúp dân nghèo làm giàu
- » Hiệu quả từ chăn nuôi bò vỗ béo
- » Bắc Kạn triển khai công tác giảm nghèo năm 2014
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Yên Bái họp phiên thường kỳ quý I/2014
- » Hơn 4.500 hộ cận nghèo ở Tuyên Quang được tiếp cận vốn ưu đãi