Nguồn vốn ưu đãi về với phụ nữ nghèo Bạch Thông

28/04/2014
(VBSP News) Thời gian qua, các hội, đoàn thể ở huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) nhận uỷ thác vốn vay với NHCSXH tại địa bàn, thực sự đem đến cơ hội phát triển kinh tế, xóa nghèo cho đông đảo hội viên.
Mô hình chăn nuôi gà đồi hiệu quả của phụ nữ huyện Bạch Thông

Mô hình chăn nuôi gà đồi hiệu quả của phụ nữ huyện Bạch Thông

 

“Đến 31/3/2014, dư nợ cho vay ủy thác của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn qua Hội Phụ nữ tỉnh đạt 487 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo 165 tỷ đồng; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 178 tỷ đồng; hộ cận nghèo 23,5 tỷ đồng… Hiện, Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Kạn đang quản lý 624 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 18.775 hộ hội viên còn dư nợ.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn ưu đãi cho vay uỷ thác thông qua các cấp Hội Phụ nữ huyện Bạch Thông đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực; đồng thời, thể hiện tính xã hội hóa cao. Theo báo cáo, sau 11 năm thực hiện đã có trên 3.000 lượt hộ hội viên phụ nữ vay vốn ưu đãi của các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn… với tổng dư nợ lên tới 63 tỷ đồng. Nhờ việc sử dụng vốn vay đúng mục đích nên đã góp phần xóa nghèo cho 1.747 hộ gia đình hội viên phụ nữ và 425 chị em đạt danh hiệu thi đua làm kinh tế giỏi. Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều chị em đã có điều kiện đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế tại nơi cư trú như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm thương phẩm ở xã Lục Bình, Quân Bình, Cẩm Giàng… trong đó phải kể đến mô hình trồng chuối xuất khẩu kết hợp với chăn nuôi lợn nái, lợn thịt của chị Trần Thị Lụa ở xã Mỹ Thanh, hay mô hình thâm canh đàn gà thả vườn đồi của chị Hà Thị Diệu, xã Đôn Phong có thu nhập mỗi năm tới 100 triệu đồng. Điển hình là gia đình chị Ma Thị Hằng - La Văn Dương ở phố Đầu Cầu, thị trấn Phủ Thông đã được Hội Phụ nữ cơ sở bảo lãnh vay vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi. Với số tiền vay ban đầu là 30 triệu đồng, vợ chồng chị Hằng đã xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gà, vịt, lợn thịt. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài và áp dụng đúng kỹ thuật, quy trình chăm sóc, phòng dịch bệnh, nên đàn gia súc, gia cầm của gia đình chị đã dần dần phát triển vững chắc, quy mô được mở rộng. Chị Hằng chia sẻ kinh nghiệm: Hiện tại trong trang trại chăn nuôi tổng hợp có 120 con lợn thịt, 10 con lợn nái và trên 500 con gà, vịt. Năm 2013, gia đình đã xuất bán gần 20 tấn thịt lợn, trừ chi phí thu lãi về hơn 70 triệu đồng. Sau gần 4 năm sử dụng vốn vay chính sách đúng mục đích, gia đình chị Hằng đã thoát nghèo, trả xong nợ vay của ngân hàng và trở thành hộ khá giả của vùng sơn cước Bạch Thông.

Sở dĩ nguồn vốn vay ưu đãi được phụ nữ huyện Bạch Thông sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao là do NHCSXH huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng được tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, kịp thời, đồng thời trong công đoạn cho vay thông qua uỷ thác đã coi trọng sự phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể từ việc xây dựng củng cố chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, xét duyệt đối tượng cho vay đến việc giám sát, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn, đôn đốc người vay trả nợ gốc, nộp lãi đúng kỳ hạn.

Cách làm này đã giúp cho Hội Phụ nữ huyện đến nay thành lập, duy trì hoạt động được 73 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.337 thành viên tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm đến 1,2 tỷ đồng. Có thể nói, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm trong các hội, đoàn thể góp phần giải quyết phần khó khăn về tiền vốn giúp các gia đình hội viên vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là chính sách phù hợp nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ vùng dân tộc miền núi.

Chị Nguyễn Thị Sở - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bạch Thông khẳng định: Nguồn vốn vay uỷ thác từ NHCSXH đã mang lại cơ hội cho nhiều hội viên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Hội Phụ nữ tiếp tục phối hợp với NHCSXH, thực hiện hiệu quả việc uỷ thác cho vay, mở rộng đối tượng và thực hiện tốt việc nâng mức cho vay theo đúng quy định bảo đảm đáp ứng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh; trong đó chú trọng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo nhanh, bền vững ở địa phương.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác