Hòa Tiến (Đà Nẵng): Vốn chính sách + nấm = thoát nghèo

25/04/2014
(VBSP News) Từ nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) thực hiện, nhiều nông dân xã Hòa Tiến đã hình thành nên những mô hình kinh tế hiệu quả giúp vượt qua khó khăn, thoát đói nghèo.
Nhiều hộ nông dân trong cả nước vay vốn chính sách trồng nấm đã thoát nghèo

Nhiều hộ nông dân trong cả nước vay vốn chính sách trồng nấm đã thoát nghèo

Chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Phương ở tổ 5, thôn An Trạch, xã Hòa Tiến trong lúc chị đang chăm sóc cho trại nấm của mình. Trên diện tích l00m2, chị làm 4 gian nhà, sản xuất 5.000 bịch nấm sò để bán cho các chợ ở Túy Loan, huyện Hoà Vang. Chị Phương nhẹ nhàng nói: “Trại nấm của chị còn nhỏ, chị thu nhập chưa nhiều, mỗi tháng chỉ khoảng 10 triệu đồng, tuy nhiên chừng đó chị đã mừng lắm rồi”.

“Từ nguồn vốn ưu đãi, huyện Hòa Vang đã có 13 nghìn luợt hộ thoát nghèo. Dư nợ cho vay hộ nghèo trên địa bàn đạt 72 tỷ đồng”.

Năm 2011, từ lớp tập huấn của Hội Nông dân, chị Phương được NHCSXH huyện Hòa Vang cho vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng. Từ số tiền đáng quý này, chị gây dựng nên trại nấm, với mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng, đủ để đưa chị ra khỏi diện nghèo khó của xã. Chị Phương bày tỏ: “4 năm làm nấm, chị cũng tích lũy được chút ít, sắp đến chị sẽ mở rộng trại nấm, hy vọng lúc đó thu nhập sẽ cao hơn”.

Ngoài chị Phương, nhiều anh chị ở xã Hoà Tiến thông qua Hội Nông dân cũng vay được vốn NHCSXH để trồng nấm. Cái công thức: “Vốn chính sách + nấm = thoát nghèo” đã đúng với hàng loạt gia đình nông dân Hoà Tiến, như các chị Nguyễn Thị Huệ, Đinh Thị Thương, Phạm Thị Tá…

Theo ông Trần Văn Bằng - Giám đốc NHCSXH huyện Hòa Vang, nông dân Hoà Tiến rất sáng tạo trong làm ăn kinh tế. “Khi thẩm định hồ sơ xin vay vốn của bà con, chúng tôi thấy bà con chủ động nghĩ ra nhiều cách làm ăn hiệu quả” - lời ông Bằng. Thực tế đúng như vậy, ngoài làm nấm, nông dân Hòa Tiến còn có nhiều mô hình kinh tế khác rất hiệu quả.

Với diện tích sẵn có 1.000m², chị Nguyễn Thị Nha ở tổ 9, thôn La Bông khi vay được vốn chính sách đã không làm nấm mà quyết định trồng 10.000 gốc hoa. Nhờ vậy, chị có hoa cung cấp thường xuyên cho các chợ đầu mối ở Hoà Vang trong các dịp rằm, mồng 1, lễ, tết. Từ hộ nghèo, nuôi 3 con ăn học, bằng vốn vay chính sách và chọn hoa làm hướng đi, chị đã thoát nghèo. Chỉ sau 2 năm trồng hoa, chị đã hoàn vốn lại cho ngân hàng và có một số dư lớn để đầu tư mở rộng vườn hoa.

Chị Vương Thị Huệ ở tổ 9, thôn La Bông đang là hộ tiêu biểu của Hòa Tiến về mô hình nuôi gà thả vườn. Chị Huệ cho biết, khu đất của gia đình là đất cát bạc màu, không trồng trọt gì được. “Lúc ban đầu tôi lúng túng không biết làm gì với mảnh đất đó, nhưng nhờ cán bộ Hội Nông dân và cán bộ NHCSXH huyện Hoà Vang tư vấn cũng như giúp cho vay 20 triệu đồng lãi suất ưu đãi, tôi đã hình thành nên mô hình nuôi gà thả vườn. Đến nay, gia đình tôi có thể yên tâm về kinh tế” - chị phấn khởi nói.

Có thể nói, một bộ phận không nhỏ nông dân ở Hoà Tiến đã khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống nhờ những đồng vốn vay quý giá của NHCSXH. Nói như ồng Trần Văn Bằng, kết quả đó là nhờ chính nông dân đã không đầu hàng số phận, luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, biết tạo ra cơ hội để làm ăn và ý chí làm ăn. Tuy nhiên, với những nông dân này, bà con đều cho rằng họ luôn biết ơn sự giúp đỡ, động viên của các hội, đoàn thể và nguồn vốn từ NHCSXH. “Món vay của NHCSXH không lớn, chỉ vài ba chục triệu đồng, nhưng lại là điều kiện đầu tiên cho việc thực hiện những kế hoạch làm ăn” - chị Vương Thị Huệ tâm sự.

Theo ông Bằng, trong các xã trên địa bàn huyện thì Hoà Tiến là xã có nguồn vốn vay phát triển kinh tế đứng thứ 2, với tổng dư nợ vốn vay 23 tỷ đồng. Chính sự năng động trong làm ăn kinh tế của nông dân Hoà Tiến đã góp phần giúp xã này dẫn đầu hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới ngay từ năm 2013.

Bài và ảnh Kim Oanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác