Vì nhân dân phục vụ

06/05/2014
(VBSP News) Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với khẩu hiệu “Vì nhân dân quên mình” bộ đội ta đã lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Phát huy truyền thống cách mạng, ngày nay NHCSXH tỉnh Điện Biên đang nêu cao chuẩn mực: Thuận tiện, nhanh chóng, chính xác vì nhân dân phục vụ, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo trên mảnh đất lịch sử.
Cho vay hộ nghèo tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên

Cho vay hộ nghèo tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên

Theo ông Đàm Xuân Triệu - Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên, trước đây hộ nghèo muốn vay được vốn phải đi theo một quy trình, với nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu kê khai, như: tiêu chuẩn nghèo phải được Nhà nước qui định; tham gia sinh hoạt tại Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc các hội, đoàn thể được cơ sở bình xét cho vay, chính quyền xã, phường xác nhận…, ngân hàng tổng hợp hồ sơ đúng “quy chuẩn” mới được giải ngân nguồn vốn vay tại Điểm giao dịch. Thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, với mục tiêu giảm bớt phiền hà cho người vay vốn, trong quá trình giải ngân một số qui định đã được cải cách theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn. Hiện nay, ở Điện Biên mỗi hộ nghèo được cấp một Sổ vay vốn, một mã số (tài khoản) khách hàng được sử dụng trong suốt quá trình vay vốn tại ngân hàng. Nhờ khâu đơn giản hóa về thủ tục hành chính, kết hợp việc đổi mới trong công tác giao dịch đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH tỉnh Điện Biên. Tính đến nay, dư nợ đạt gần 1.400 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện có 13 chi nhánh Ngân hàng thương mại và NHCSXH hoạt động, dư nợ của NHCSXH chiếm tới 20% tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh, chất lượng nợ luôn được kiểm soát và đảm bảo, tỷ lệ thu lãi hằng năm đạt trên 95%. Trong 11 chương trình cho vay, chương trình cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn nhất 62%. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 55. nghìn hộ nghèo được vay vốn, trong đó trên 11 nghìn hộ thoát nghèo, trên 43 nghìn hộ được cải thiện về đời sống, chuyển biến nhận thức và cách thức làm ăn. Tiếp đến, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có 8.831 hộ được vay vốn, với dư nợ gần 220 tỷ đồng. Chương trình cho vay hộ cận nghèo mới thực hiện hơn 1 năm nay, nhưng cũng đã đạt dư nợ gần 40 tỷ đồng…

Nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi cá cho thu nhập ổn định

Nhiều hộ gia đình đã đầu tư nuôi cá cho thu nhập ổn định

Thanh Nưa, huyện Điện Biên là xã biên giới, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, còn nhiều khó khăn, nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời từ NHCSXH, hàng trăm hộ gia đình đã có vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi thoát nghèo. Cán bộ tín dụng Nguyễn Văn Lượng, cho biết: đến thời điểm này xã Thanh Nưa có 95 hộ nghèo vay vốn, với dư nợ trên 1,75 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác phối hợp với các hội, đoàn thể của địa phương, nên cơ bản các hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế. Ông Đèo Văn Loan ở bản On là một ví dụ. Đầu năm 2013 được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện Điện Biên với lãi suất 0,65%/tháng, với số tiền được vay ông thuê máy ủi san gạt, cải tạo ao nuôi thủy sản. Đến nay, gia đình có 2 ao nuôi cá thương phẩm và cá giống với diện tích 2.500m2, mỗi tháng thu lãi 2,5 triệu đồng. Nhờ thu nhập ổn định, hằng tháng gia đình có tiền trả lãi ngân hàng và tiếp tục tái đầu tư, mở rộng nuôi trồng thủy sản. Ông Loan chia sẻ: “Nhiều hộ dân như gia đình tôi vay vốn chính sách đã thoát nghèo đấy. Cán bộ tín dụng vùng cao nó tích cực lắm, bám dân, bám bản, hướng dẫn cách làm, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, nên tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Hầu hết bà con làm ăn được, mùa màng bội thu, do đó trả lãi, trả gốc đúng kỳ hạn, đầy đủ. Cứ đà này vài năm nưa xã biên giới Thanh Nưa sẽ hết nghèo thôi” (!)

Cùng trưởng thành với NHCSXH Việt Nam, với tỉnh Điện Biên anh hùng, hơn 11 năm hoạt động, đến nay, chi nhánh tỉnh Điện Biên với 1 đơn vị cấp tỉnh, 8 Phòng giao dịch tại các huyện, thị xã, cùng với mạng lưới 130 Điểm giao dịch tại xã, 1.777 Tổ tiết kiệm và vay vốn tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Cùng với hoạt động tín dụng của ngân hàng, các đơn vị ủy thác đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, vận động gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn với hình thức gửi góp hàng tháng kể cả với số tiền nhỏ (10 nghìn đồng). Qua đó đã từng bước tạo lập ý thức tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời nâng cao kỹ năng ghi chép của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có dư nợ tiết kiệm 10 tỷ đồng, đóng góp một phần vốn để tạo lập quỹ cho vay. Ghi thêm thành tích “Vì nhân dân phục vụ” của NHCSXH tỉnh Điện Biên, hoạt động tại tỉnh nghèo miền núi biên giới còn nhiều khó khăn.

Bài và ảnh Đức Thọ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác