Đồng vốn đi qua, khó nghèo lùi bước
Làm chủ từ vốn ưu đãi
Theo chân chị Nguyễn Thị Kim Ánh - Phó Giám đốc NHCSXH quận 4, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Tạo - hộ nghèo được đánh giá là sử dụng đồng vốn hiệu quả cao từ chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.
Nhà bà Tạo nằm trong một khu lao động nghèo của phường Tôn Đản. Khi chúng tôi vào, bà Tạo và cô con gái đang lúi cúi may giày trong ngôi nhà chỉ khoảng 10m2. Bà Tạo cho biết, bà đã làm nghề may giày da từ 20 năm nay. Tuy nhiên, trước khi vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo của thành phố, gia đình bà chỉ làm gia công cho các xưởng giày. “Không có vốn để mua vật liệu làm giày nên gia đình tôi phải nhận gia công. Chúng tôi thức đêm thức hôm miệt mài làm nhưng chỉ đủ nuôi mấy miệng ăn”, bà Tạo tâm sự.
Năm 2010, bà Tạo bắt đầu vay vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi. Có tiền, bà mua vật liệu: da, chỉ… về làm giày. “Làm gia công thì nghèo mãi, phải làm chủ mới đổi đời”, bà Tạo cười nói. Theo chị Liên - con gái bà Tạo, mỗi ngày hai mẹ con cũng làm được 50 - 60 đôi giày da (lúc cao điểm cả 100 đôi giày). Mỗi đôi giày khi giao cho cửa hàng lời khoảng 30.000 đồng.
Giờ thì gia đình bà Tạo không còn lo cái ăn hằng ngày nữa và đã sắm được máy vi tính, ti vi, xe máy… Kế hoạch của bà sắp tới là dành dụm “sửa lại cái nhà”. Không chỉ thoát nghèo, bà Tạo còn tạo công ăn, việc làm cho 4 người lao động khác.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Cũng như bà Tạo, bà Nguyễn Thị Ngộ ở khu phố 3, phường 9, quận 8 cũng được vay vốn chương trình hộ nghèo. Hơn 10 năm làm nghề tóc, gia đình bà lúc nào cũng thiếu trước, hụt sau vì tiệm làm tóc không được đầu tư nên không thu hút khách. Được vay vốn ưu đãi, bà đầu tư trang thiết bị cho tiệm làm tóc tại nhà. Mỗi ngày bà kiếm được khoảng 400 nghìn đồng từ tiệm làm tóc. “Nhờ vốn ưu đãi tôi không lo ăn hằng ngày nữa rồi”, bà Ngộ tâm sự.
Ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc NHCSXH quận 4 cho biết, từ khi triển khai chương trình tín dụng ưu đãi, tệ nạn cho vay nặng lãi trong cộng đồng dân cư tại quận 4 gần như bị kết liễu. Nhiều hộ đã thoát nghèo từ chương trình tín dụng ưu đãi…
Ông Trần Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định, chương trình tín dụng ưu đãi đem lại ý nghĩa nhiều mặt, đó là thu nhập của nông dân tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm đáng kể tệ nạn cho vay nặng lãi…
Lãnh đạo NHCSXH thành phố cho biết, bình quân mỗi năm ngân hàng giải ngân từ 600 - 800 tỷ đồng cho 30 nghìn - 40 nghìn lượt hộ nghèo vay. Bên cạnh tiếp tục hỗ trợ vốn cho các đối tượng hộ nghèo, ngân hàng đang xây dựng đề án cho vay hộ cận nghèo. Nhu cầu vay vốn của các hộ cận nghèo khá lớn. Dự tính tổng vốn cho chương trình này mỗi năm khoảng 300 tỷ đồng.
Nỗ lực tạo lập nguồn vốn mới cho hộ nghèo Thủ tướng Chính phủ quyết định, từ năm 2016 sẽ thu hồi vốn hỗ trợ hộ nghèo cấp cho TP. Hồ Chí Minh. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tiên - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh về vấn đề này. Phóng viên: Vì sao Chính phủ quyết định thu hồi vốn hỗ trợ hộ nghèo cấp cho TP. Hồ Chí Minh, thưa ông? Trả lời: Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ chỉ giải quyết cho hộ nghèo theo chuẩn quốc gia vay. Khi chuẩn nghèo của thành phố nâng lên (16 triệu đồng/người/năm), Chính phủ quyết định sẽ thu hồi vốn hỗ trợ người nghèo cấp cho thành phố. Tuy nhiên, nếu thu hồi vốn ngay sẽ rất khó cho thành phố, bởi nguồn vốn này trong dân khoảng 800 tỷ đồng, nên Thủ tướng quyết định sau năm 2015 mới thu hồi vốn. Phóng viên: Thành phố đã chuẩn bị gì khi không còn nguồn vốn của Trung ương? Trả lời: Ngay sau khi có Quyết định của Chính phủ, UBND thành phố đã chỉ đạo chi nhánh NHCSXH thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm phương án tạo lập nguồn vốn để đảm bảo khi nguồn vốn Trung ương được rút về. Phóng viên: Vì sao từ ngày 01/4/2014, lãi suất cho vay (nguồn vốn Trung ương) đối với hộ nghèo của TP. Hồ Chí Minh từ 0,65%/tháng nâng lên 0,78%/tháng? Trả lời: Tôi được biết, vì thu nhập hộ nghèo thành phố gấp hơn 2 lần hộ nghèo chuẩn quốc gia, nếu áp dụng lãi suất như nhau là không công bằng.
|
Bài và ảnh Trần Đáng - Trần Thế
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Tín dụng chính sách trên thành phố mang tên Bác: LỰC ĐỠ LỚN TỪ NHỮNG ĐỒNG VỐN NHỎ
- » Vốn vay dành cho hộ cận nghèo ở Khánh Hòa đang phát huy hiệu quả
- » Nguồn vốn ưu đãi về với phụ nữ nghèo Bạch Thông
- » Hòa Tiến (Đà Nẵng): Vốn chính sách + nấm = thoát nghèo
- » Triệu phú Khmer - Phum sóc nào cũng có
- » Chuyện về một gia đình nghèo vượt khó
- » Dư nợ của xã Ngọc Hội tại NHCSXH đạt hơn 15 tỷ đồng
- » “Cú hích” giúp hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững
- » NHCSXH tỉnh Lâm Đồng tham gia Chương trình “Đối thoại cải cách hành chính”