TP. Hồ Chí Minh: Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người nghèo

17/02/2014
(VBSP News) Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2014 - 2015, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung cho việc mở rộng các nguồn hỗ trợ người nghèo. Theo đó, trong năm 2014 này, tổng nguồn kinh phí cho chương trình giảm nghèo sẽ được nâng lên mức 3.504 tỷ đồng, tăng gần 670,7 tỷ đồng so với năm 2013. Tiếp đó, trong năm 2015, nguồn kinh phí sẽ tiếp tục được cung ứng thêm khoảng 3.531 tỷ đồng. Số kinh phí hỗ trợ không hoàn lại của 2 năm là trên 640 tỷ đồng.
Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ tạo được sinh kế và thoát nghèo

Nhờ vốn vay ưu đãi, nhiều hộ tạo được sinh kế và thoát nghèo

Thách thức giảm nghèo mới

Từ ngày 24/1/2014, Quyết định số 04/2014/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh về ban hành chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015 bắt đầu có hiệu lực. Với chuẩn nghèo mới được điều chỉnh tăng gấp 3 lần so với chuẩn nghèo của quốc gia, dựa trên tiêu chí thu nhập, đối với các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện chương trình này, nhiệm vụ thực sự đầy thách thức.

Cụ thể, các hộ dân nếu có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm sẽ được xếp vào diện hộ nghèo; các hộ có thu nhập từ 16 - 21 triệu đồng/người/năm sẽ được xếp vào diện hộ cận nghèo. Với mức chuẩn nghèo được điều chỉnh đó, số lượng hộ nghèo ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay ở mức 130 nghìn hộ, chiếm 7,12% dân số; hộ cận nghèo khoảng 50 nghìn hộ, chiếm khoảng 2,73% dân số.

Thách thức ở đây, một mặt do tiến trình đô thị hóa ở các quận, huyện ngoại thành sẽ khiến một bộ phận người nghèo không hết nghèo, thậm chí khó bám trụ ở đô thị mà buộc phải chuyển đi nơi khác. Mặt khác, việc tăng dân số cơ học ở TP. Hồ Chí Minh làm phát sinh một bộ phận người nghèo nhập cư mà chương trình giảm nghèo thành phố chưa có điều kiện theo dõi, quản lý và hỗ trợ trực tiếp.

Tính đến hết năm 2013, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng của VBSP TP. Hồ Chí Minh đạt trên 2.172 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo hơn 804 tỷ đồng; cho vay HSSV gần 610 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm hơn 286 tỷ đồng…

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2014 - 2015, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung cho việc mở rộng các nguồn hỗ trợ người nghèo. Theo đó, trong năm 2014 này, tổng nguồn kinh phí cho chương trình giảm nghèo sẽ được nâng lên mức 3.504 tỷ đồng, tăng gần 670,7 tỷ đồng so với năm 2013. Tiếp đó, trong năm 2015, nguồn kinh phí sẽ tiếp tục được cung ứng thêm khoảng 3.531 tỷ đồng. Số kinh phí hỗ trợ không hoàn lại của 2 năm là trên 640 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí như trên, ông Trương Văn Lương - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP. Hồ Chí Minh cho hay, trong năm nay, thành phố sẽ ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay ưu đãi để các hộ nghèo và cận nghèo có kinh phí làm ăn, nâng cao sức khỏe, cải thiện nghề nghiệp… Dự kiến trong năm 2014, các đơn vị tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đào tạo nghề cho khoảng 1.500 - 2.000 lao động nghèo, giải quyết việc làm cho 12.000 - 15.000 người nghèo.

Đặc biệt, theo ông Lương, để nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình đến được với tất cả các hộ nghèo trên địa bàn, trong giai đoạn 2014 - 2015, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm giảm nghèo đa chiều tại các quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị phụ trách chương trình ở các địa phương đang xây dựng phương pháp đo lường chuẩn nghèo đa chiều.

Theo đó, việc xác định hộ nghèo và cận nghèo sẽ không chỉ căn cứ vào tiêu chí thu nhập mà còn xét trên các tiêu chí khác như việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, mối quan hệ xã hội… Trên cơ sở 4 quận, huyện thí điểm, đến năm 2016, phương pháp đo lường chuẩn nghèo đa chiều sẽ được mở rộng ra các địa phương khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

NHCSXH chủ động góp sức

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Tiên - Phó giám đốc NHCSXH (VBSP) TP. Hồ Chí Minh cho biết, để phối hợp tích cực với các đơn vị trên địa bàn thực hiện mục tiêu của Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 2014 - 2015, hiện VBSP thành phố đang xây dựng đề án cho vay đối với hộ cận nghèo theo yêu cầu của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Đề án được xây dựng theo hướng: TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với Chính phủ thống nhất cho phép về nguyên tắc việc VBSP huy động, tạo lập nguồn vốn cho vay đối với hộ cận nghèo trên địa bàn sẽ được ngân sách thành phố cấp bù lãi suất, chi phí quản lý và xử lý các khoản nợ bị rủi ro. Kiến nghị này đã được UBND TP. Hồ Chí Minh trình Chính phủ. Nếu được Chính phủ cho phép thì VBSP sẽ triển khai ngay trong năm 2014. Riêng đối với nguồn vốn cho vay hộ nghèo, trong năm nay, UBND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị với Chính phủ cho phép thành phố tiếp tục được bảo lưu nguồn vốn của Trung ương để cho vay hộ nghèo của thành phố đến hết năm 2015.

Ông Tiên cho biết thêm, với tư cách là kênh vốn tín dụng chính trong Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong năm 2013, VBSP chi nhánh thành phố đã giải ngân nguồn vốn lớn giúp tạo thêm 12.152 việc làm mới; hơn 6.100 hộ gia đình nghèo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có vốn sản xuất, kinh doanh; 12.348 lượt HSSV vay vốn; 4.712 hộ gia đình bị thu hồi đất có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; giúp cải tạo và xây dựng trên 22.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay sửa chữa nhà ở đối với 2.094 hộ thu nhập thấp…

Bài và ảnh Thạch Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác