Tín dụng chính sách trên thành phố mang tên Bác: LỰC ĐỠ LỚN TỪ NHỮNG ĐỒNG VỐN NHỎ

29/04/2014
(VBSP News) Chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi của Trung ương và thành phố, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm. Hiện có hơn 160 nghìn đối tượng còn dư nợ với trên 2,1 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 5 chương trình là cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm và chương trình cho vay giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Từ vốn chính sách ưu đãi, tiệm cơm của gia đình bà Dung làm ăn ổn định, giúp bà thoát nghèo bền vững

Từ vốn chính sách ưu đãi, tiệm cơm của gia đình bà Dung làm ăn ổn định, giúp bà thoát nghèo bền vững

Từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà rách nát, nhờ được vay 30 triệu đồng tiền vốn ưu đãi mà mấy năm nay gia đình của bà Huỳnh Ngọc Dung (sinh năm 1957, ở 160/30L, đường Nguyễn Duy Dương, phường 3, quận 10) đã dần vươn lên ổn định cuộc sống. “Hồi trước buôn bán ế ẩm lắm, cộng với khoản tiền vay ngoài lãi suất cao nên làm được đồng nào là người ta thu hết. May nhờ được vay tiền ưu đãi của Nhà nước với lãi suất thấp nên mấy năm nay làm ăn cũng đỡ hơn. Chồng tôi đã bỏ nghề xe ôm ở nhà phụ tôi bán cơm, cô con gái cũng ở nhà phụ giúp. Giờ, mỗi ngày gia đình thu lãi tới 300 nghìn đồng nhờ quán cơm trong hẻm. Không chỉ thế, tôi còn thuê thêm một người phụ quán. Như vậy, không chỉ gia đình có thêm thu nhập, mà còn tạo được việc làm cho một số lao động chú à. Mong sao Nhà nước cho vay nhiều hơn để những người như chúng tôi thoát nghèo được bền vững…”, bà Dung chia sẻ.

Theo ông Đỗ Ức Thiện - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu phố 1, phường 3, quận 10, trong tổ đã có nhiều hộ thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi bằng mô hình bán cơm, phở, tạp hóa như hộ Bùi Huỳnh Lương, hộ Trần Thị Mỹ Hạnh, hộ Bùi Huỳnh Mai, hay như chính hộ nhà ông tổ trưởng cũng thoát nghèo bằng buôn bán tạp hóa…

Mỗi nơi một việc

Trong số các chương trình cho vay, thì chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm được xem là trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực nhất, phù hợp với người dân trên địa bàn thành phố, đã tạo ra trên gần 180 nghìn việc làm mới. Ở khu vực nội thành, những đồng vốn luôn được bà con sử dụng đúng mục đích, dùng để mở tiệm tạp hóa nhỏ, mở quán ăn, sắm xe đẩy bán nước, mua xe chở hàng… kiếm mỗi ngày được vài ba trăm nghìn, nếu tốt thì cũng được dăm bảy trăm nghìn phục vụ cho cuộc sống và cũng hoàn thành việc trả nợ cho ngân hàng đúng hạn…

Ở khu vực nông thôn, bà con cũng biết cách lựa chọn mục đích, đầu tư tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn từng vùng. Vùng nông thôn huyện Củ Chi thì vay vốn để nuôi bò thịt, bò sữa, trồng cây ăn trái, hoa cây cảnh, nuôi heo, nhím… Hay như ở vùng Hóc Môn, Bình Chánh, bà con vay vốn để nuôi gà, trồng rau màu… Ở vùng sông nước như Nhà Bè, Cần Giờ thì bà con tranh thủ nguồn vốn quý giá đó để nuôi trồng thủy sản như tôm, hến… đều đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo thành phố ổn định việc làm, từng bước nâng thu nhập và vươn lên thoát nghèo, hạn chế tái nghèo. Đến cuối năm 2013, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia và chỉ còn gần 39 nghìn hộ nghèo chuẩn của TP. Hồ Chí Minh (thu nhập hình quân đầu người 12 triệu đồng/năm), chiếm tỉ lệ 2,12% tổng số hộ dân thành phố. Hiện, TP. Hồ Chí Minh đang khảo sát để nâng chuẩn nghèo của thành phố lên mức 16 triệu đồng/người/năm. Dự kiến có khoảng 100 nghìn hộ sẽ rơi vào chuẩn này.

Công khai minh bạch và hợp lòng dân

Quá trình triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và thành phố, cũng như bình xét các đối tượng thụ hưởng được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch từ cơ sở, tạo điều kiện cho người dân biết, tham gia góp ý và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, qua đó từng bước nâng cao ý thức về quyền lợi, trách nhiệm của người dân được vay vốn và trách nhiệm giám sát, đôn đốc của các ngành, các cấp ở cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện, tranh chấp trong quá trình vay vốn.

Các chương trình tín dụng ưu đãi có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với các chương trình mục tiêu của thành phố, đặc biệt là chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá, chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình xây dựng Nông thôn mới… đã góp phần làm cho kết quả hoạt động NHCSXH toàn diện hơn, được người dân nông nhiệt đón nhận hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề khiến người làm tín dụng chính sách trăn trở. Ông Trần Văn Tiên - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP. Hồ Chí Minh cũng đã nhìn nhận thẳng thắn về những tồn tại của mình như: Chưa xây dựng được cơ chế lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa hoạt động tín dụng với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật; nợ quá hạn có chiều hướng tăng cao khi số hộ vay không chịu trả nợ, hộ vay đi khỏi địa phương phát sinh ngày càng nhiều… Và vì thế, đây cũng là những nội dung sẽ được chi nhánh tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Bài và ảnh Hoàng Quý

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác