Nam Định sau 1 năm cho vay hộ cận nghèo

06/05/2014
(VBSP News) Sau 1 năm thực hiện Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, hộ cận nghèo ở Nam Định đã có cơ hội thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ hội, đoàn thể ở Nam Định đang giải thích những chính sách mà bà con được thụ hưởng

Cán bộ hội, đoàn thể ở Nam Định đang giải thích những chính sách mà bà con được thụ hưởng

Hai năm trước, gia đình anh Hoàng Văn Phúc ở xóm Đề Thám, xã Trực Cường, huyện Trực Ninh còn thuộc diện hộ nghèo của xã. Theo bình xét, gia đình anh Phúc được vay vốn chính sách. Tuy nhiên, do mức cho vay hộ nghèo thấp nên có thời điểm gia đình anh vừa thoát khỏi diện nghèo, trả hết số tiền vay cho NHCSXH thì lại thiếu vốn để tiếp tục đầu tư, khiến gia đình anh đứng trước nguy cơ tái nghèo. Đúng vào thời điểm đó (tháng 4/2013) Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo có hiệu lực, gia đình anh Phúc được NHCSXH huyện Trực Ninh cho vay 22 triệu đồng. Nguồn vốn này đã giúp anh yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, dịch vụ cho thuê phông bạt, bát đĩa của gia đình anh hoạt động ổn định, mang lại nguồn thu nhập đều đặn. Anh Phúc chia sẻ: “Nguồn vốn kịp thời của chương trình cho vay hộ cận nghèo giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất, kinh doanh. Với mức thu nhập như 1 năm qua, gia đình tôi đủ khả năng trả gốc, lãi đúng thời hạn và chắc chắn thoát khỏi bền vững”.

Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 13, xã Trực Đạo, huyện Trực Ninh có 38 thành viên đang có dư nợ 540 triệu đồng với NHCSXH, trong đó dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 100 triệu đồng. Toàn bộ 4 thành viên vay vốn diện hộ cận nghèo đều đầu tư vào chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đặng Huy Lục - Phó Chủ tịch UBND xã Trực Cường, huyện Trực Ninh cho biết: “Là chương trình cho vay mới, xã đang tập trung bình xét, tạo điều kiện để một số hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn được ưu tiên vay vốn trước. Đa số những hộ này đều nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhanh hơn so với những năm trước. Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm 1%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,6%”.

Sau 1 năm cho vay, NHCSXH tỉnh Nam Định đã có nhiều cố gắng, nỗ lực kịp thời đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng là hộ cận nghèo. Việc tuyên truyền được chú trọng, thủ tục cho vay đơn giản, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn để giúp các hộ cận nghèo phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Tổng số hộ ở Nam Định hiện đang có dư nợ với NHCSXH là 8.246 hộ với số tiền là 175 tỷ đồng, dư nợ bình quân đạt 21,3 triệu đồng/hộ. Một số huyện đạt mức dư nợ cao như Trực Ninh 32,8 tỷ đồng, Ý Yên 25,5 tỷ đồng, Nam Trực 21,7 tỷ đồng…

Để thực hiện tốt chương trình cho vay đối với hộ cận nghèo, thời gian tới NHCSXH tỉnh Nam Định tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với chính quyền cơ sở tăng cường giám sát việc bình xét cho vay đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của từng trường hợp khách hàng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo giữ vững chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, cung cấp đầy đủ các thông tin về chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo; tư vấn kịp thời để các hộ cận nghèo có kế hoạch cụ thể, hợp lý trước khi có quyết định vay vốn, tránh tình trạng cố vay theo tiêu chuẩn mà không xác định được phương hướng sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ.

Theo Báo Nam Định

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác