Kết quả giảm nghèo ở miền quê Đồng Tháp Mười
Năm 2013, Hội Phụ nữ xã xét và đề nghị NHCSXH cho 110 hội viên nghèo vay số tiền trên 505 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, thực hiện mô hình “3 hộ khá giúp 1 hộ nghèo”… kết quả cuối năm có 17/84 hộ nghèo thuộc các Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ thoát nghèo. Cũng bằng cách làm như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã còn lồng ghép tốt việc sử dụng vốn ưu đãi và đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năm qua đã giúp cho 30 hộ nông dân thoát nghèo bền vững. Hiện nay, số hộ nghèo theo chuẩn mới toàn xã Bình Thạnh giảm còn 315 hộ, chiếm 6,22% tổng số hộ dân, đạt tiêu chí xã nông thôn mới.
Hộ chị Võ Kim Thanh, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh có chồng và 2 con, trước đây chuyên sống bằng nghề cắt bán lục bình trên sông Tiền, cuộc sống phải chạy ăn từng bữa. Năm 2012, chị được Chi hội Phụ nữ ấp hỗ trợ giới thiệu học nghề may thảm và Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp đỡ bình xét vay vốn hộ nghèo của NHCSXH để đầu tư trồng chanh, xoài ở 1/2 công đất vườn. Chị Thanh cho biết, nhờ có nghề mới và vốn vay ưu đãi, chị nghỉ hẳn công việc lam lũ cắt, bán lục bình, mà tập trung may thảm gia công, thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, chồng chị là anh Hồng ngoài chăm sóc vườn chanh, ao cá, còn tranh thủ chở sản phẩm dệt thảm của gia đình và bà con trong ấp đi giao cho các đại lý. Hộ nhà chị Thanh được công nhận thoát nghèo cuối năm 2013.
Tương tự, gia đình anh Lê Văn Vốn cùng ở ấp Bình Hòa vốn không có ruộng vườn, quanh năm làm thuê, vác mướn, cuộc sống rất bấp bênh, nghèo khổ. Qua tìm hiểu, biết anh Vốn chí thú làm ăn và ham thích nghề thú y, Hội Nông dân xã thấy đây là cơ hội để anh thoát nghèo nên đã tư vấn, cho anh tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và bảo lãnh vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện để nuôi heo. Từ năm 2009 đến nay, việc nuôi heo của gia đình anh luôn gặp thuận lợi. Với tiền tích luỹ được, cộng với 30 triệu đồng vốn ưu đãi vay đợt 2 của chương trình giải quyết việc làm, anh Vốn mướn thêm đất, mở rộng chuồng trại nuôi heo nái, để lấy heo con nuôi heo thương phẩm. Dịp tết Giáp Ngọ vừa qua, anh xuất chuồng trên 3 tấn thịt heo, doanh thu hơn 120 triệu đồng. Anh Vốn cho hay, ngoài nuôi heo ở nhà anh, còn nhận chăm sóc tiêm chủng, phòng bệnh heo cho nhiều gia đình trong xã, tạo nguồn thu khá cao và bền chắc, với những nỗ lực trong vượt khó, anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Cao Lãnh.
Đây là 2 trong hàng trăm hộ thoát nghèo ở xã Bình Thạnh trong những năm qua. Kết quả trên ngoài nỗ lực của chính bản thân người dân, còn nhờ sự quan tâm hỗ trợ hộ nghèo của cấp uỷ, chính quyền, hội, đoàn thể địa phương nhất là phần đóng góp tích cực của NHCSXH. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở vùng sông nước Đồng Tháp Mười, các cấp, các ngành đã chung tay góp sức giúp dân thoát nghèo”.
Bài và ảnh Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Làng quê Phúc Thọ đổi mới
- » Nét mới về Tổ tiết kiệm và vay vốn trên vùng đất chè
- » Đồng vốn chính sách giúp CCB làm giàu
- » Để người dân thoát nghèo bền vững
- » Nam Định sau 1 năm cho vay hộ cận nghèo
- » Vì nhân dân phục vụ
- » Đồng vốn đi qua, khó nghèo lùi bước
- » Tín dụng chính sách trên thành phố mang tên Bác: LỰC ĐỠ LỚN TỪ NHỮNG ĐỒNG VỐN NHỎ
- » Vốn vay dành cho hộ cận nghèo ở Khánh Hòa đang phát huy hiệu quả