Mở hướng thoát nghèo bền vững

03/03/2014
(VBSP News) Nhận thức được tầm quan trọng các chương trình tín dụng chính sách trong việc giải quyết nhu cầu vốn cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, là đòn bẩy trong sản xuất, kinh doanh và cải thiện cuộc sống của người dân nên NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai tốt các chương trình tín dụng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an ninh xã hội và xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Bà con nông dân nghèo ở TP. Vị Thủy đến Điểm giao dịch xã giao dịch với ngân hàng

Bà con nông dân nghèo ở TP. Vị Thủy đến Điểm giao dịch xã giao dịch với ngân hàng

Từ khi hoạt động đến nay, chi nhánh tỉnh Hậu Giang đã giải ngân cho hơn 297 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đưa tổng dư nợ của đơn vị đạt gần 1.300 tỷ đồng với hơn 99.150 hộ đang dư nợ, góp phần giúp hơn 34 nghìn hộ nghèo thoát nghèo, giải quyết gần 70 nghìn lao động có việc làm mới, trên 24 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn chủ động về kinh phí học tập, gần 35 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng và xây dựng 7 nghìn căn nhà vững chắc cho hộ nghèo, gia đình dân tộc Khmer… Chỉ tính riêng năm 2013, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 11,58% (giảm 2,98% so với năm 2012), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,68% (giảm 1,31% so năm 2012) trên tổng số hộ. Tỉnh đã có 7 ấp và khu vực thuộc TP. Vị Thuỷ và TX. Ngã Bảy không còn hộ nghèo; 3 xã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới.

Điểm mới trong các chương trình tín dụng chính sách ở vùng sông nước Tây Nam Bộ này là việc cho hộ cận nghèo vay vốn ưu đãi đã được các cấp, ngành vào cuộc và đông đảo người dân đồng tình đón nhận. Sau gần 1 năm, đến nay NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã giải ngân hơn 52 tỷ đồng với trên 3.700 hộ vay. Từ chính sách ưu đãi mới này, người dân có thêm nguồn trợ lực và cơ hội thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Hộ ông Danh Văn ở ấp 7 xã Vị Thuỷ, huyện Vị Thuỷ thuộc diện cận nghèo. Được vay 25 triệu đồng vốn lãi suất ưu đãi, gia đình ông đã có điều kiện để tiếp tục phát triển sản xuất, ổn định đời sống “Nhà vốn ít đất sản xuất, lại thiếu vốn đầu tư. Nhờ sự quan tâm của Hội CCB xã và NHCSXH huyện, tôi đã vay vốn của chương trình hộ cận nghèo bắt đầu từ việc nuôi lươn và hy vọng trong thời gian tới kinh tế gia đình sẽ tốt hơn” - Ông Danh Văn tâm sự.

Cùng với các chương trình cho vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể, triển khai đạt kết quả phương án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại những địa bàn xã, phường có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1,5%. Đến nay, toàn đơn vị đã có 44/74 xã, phường, và 6/7 huyện có nợ quá hạn dưới 2% (trừ huyện Long Mỹ 2,61%). Để giải quyết nợ quá hạn, NHCSXH cũng đang thực hiện các giải pháp trong đề án để xử lý, trong đó  tập trung đôn đốc, thu hồi nợ đối với những hộ có khả năng nhưng cố tình không trả nợ, kể cả biện pháp khởi kiện ra tòa án. Tại các xã, các Phòng giao dịch đã tham mưu cho UBND xã thành lập các tổ thu hồi nợ khó đòi. Phó giám đốc Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết: “Giải quyết nợ quá hạn và lãi tồn đọng, nâng cao chất lượng tín dụng luôn được đơn vị đặt lên hàng đầu. Cuối năm 2013, nợ quá hạn toàn tỉnh còn 23,1 tỷ đồng, chiếm 1,79%/tổng dư nợ, giảm 11,3 tỷ đồng so với năm 2012”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng dư nợ năm 2014 là 20%, tương đương 260 tỷ đồng và được NHCSXH Trung ương phân bổ ngay 107 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn cho vay hộ nghèo 10 tỷ đồng, hộ cận nghèo 75 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 20 tỷ đồng và xuất khẩu lao động 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Triều - Giám đốc NHCSXH tỉnh Hậu Giang cho biết, thời gian qua chi nhánh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nguồn vốn như: tập trung cho công tác nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở để tăng cường giám sát quy trình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, dân chủ, khách quan, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của từng phương án sản xuất cụ thể, tăng cường, công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức rà soát sắp xếp lại Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng liền cư để tăng cường vai trò hỗ trợ nhau giữa các thành viên trong tổ. Bên cạnh đó coi trọng công tác tuyên truyền, nhằm tạo chuyển biến trong ý thức có vay - có trả, để dành tiết kiệm và cách làm của người dân trước khi tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH, từ đó đã giúp hộ vay sử dụng vốn ngày càng hiệu quả hơn.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác