Niềm vui khi có nước sạch

25/02/2014
(VBSP News) Hiện nay, ở một số vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, người dân theo thói quen sinh hoạt cũ vẫn sử dụng nguồn nước ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan. Những nguồn nước này hầu hết không bảo đảm vệ sinh. Do đó, vai trò của nguồn nước sạch ở các vùng nông thôn luôn quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, hàng chục nghìn hộ dân ở Bắc Ninh đã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...
Công trình cung cấp nước sạch xã An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh)

Công trình cung cấp nước sạch xã An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh)

Huy động mọi nguồn lực

Theo chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, tỉnh Bắc Ninh được phân bổ nguồn vốn vay trị giá gần 70 tỷ đồng. Trong đó, mục tiêu của dự án là cải thiện điều kiện cấp nước như xây dựng mới, nâng cấp 14 dự án xử lý, cung cấp nước quy mô xã, cụm xã, trong đó 7 dự án khởi công mới trong năm 2013. Ngoài ra, có 7 dự án chuẩn bị đầu tư ở 7 huyện, thị xã trong tỉnh Bắc Ninh. Để nguồn nước sạch đến được với các hộ dân, nhu cầu vay vốn trở thành vấn đề bức thiết và quan trọng.

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Bắc Ninh được triển khai mạnh mẽ và đạt được những kết quả khả quan. Đến nay toàn tỉnh có 30 công trình cung cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn đang hoạt động, cung cấp nước cho khoảng 120.000 người, chiếm gần 15% dân cư nông thôn, trong đó: nhiều công trình cấp nước sạch tập trung, như xã Trí Quả, An Bình, Song Hồ, huyện Thuận Thành; xã Tân Lãng, Trung Kênh, An Thịnh, huyện Lương Tài; xã Văn Môn, huyện Yên Phong; xã Tân Chi, Cảnh Hưng, huyện Tiên Du… giúp 70 - 90% số hộ trên địa bàn được sử dụng nước sạch. Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đã đạt 94,99%.

Đến nay, đã có 22 xã trên địa bàn tỉnh được tham gia dự án với tổng số nhà tiêu được xây mới (năm 2013) là 2.260 nhà; tổng số người dân được hưởng lợi tại các xã thực hiện chương trình vệ sinh toàn xã là 37.750 người; xây mới 4 công trình cấp nước sạch và vệ sinh tại trạm y tế. Qua kiểm tra các xã thực hiện chương trình vệ sinh toàn xã, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 68 - 71 %.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, năm 2010, xã Tân Chi, huyện Tiên Du đã khởi công xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung với tổng kinh phí đầu tư xấp xỉ 20 tỷ đồng. Công trình có công suất thiết kế 1.600m³/ngày/đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của hơn 2.000 hộ dân. Sau hơn 3 năm triển khai, toàn bộ các hạng mục thuộc khu đầu mối, tuyến đường ống dẫn nước đến từng thôn, lắp đặt đồng hồ đo nước, đấu nối đến bể chứa của từng hộ gia đình đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho hơn 1.500 hộ dân trên địa bàn.

Nhà nhà có nước sạch

Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi thành công nhất của NHCSXH huyện Tiên Du. Từ năm 2007 đến nay, doanh số cho vay chương trình này của đơn vị đạt hơn 80 tỷ đồng, tổng dư nợ hiện tại gần 66 tỷ đồng, đạt 99,97% kế hoạch. Từ nguồn vốn vay đã có hàng nghìn hộ gia đình đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình nước sạch, công trình vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường. Các công trình đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, cải tạo vệ sinh môi trường vùng nông thôn, bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông Vũ Đình Yên - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi thời gian qua là do tranh thủ được sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức hội, đoàn thể trong quá trình ủy thác cho vay. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý trong quản lý, vận hành kênh vốn chính sách nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần xoá nghèo nhanh và bền vững. Hiện, toàn tỉnh có gần 3.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ khắp 126 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Từ các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, chủ trương, chính sách của Nhà nước được phổ biến công khai, việc bình xét cho vay minh bạch và dân chủ. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đồng vốn vốn, tránh tình trạng cho vay sai đối tượng, mục đích.

Năm 2014, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh phấn đấu dư nợ tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2013. Để đạt chỉ tiêu đề ra, chi nhánh tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt vốn vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm nhanh chóng giải ngân vốn quay vòng, không để tồn đọng, lãng phí vốn.

Trao đổi về vốn cho vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ông Yên cho biết, tổng doanh số cho vay của chi nhánh đến nay đạt 64,379 tỷ đồng. Doanh số thu nợ là 52,545 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/12/2013 đạt 429,223 tỷ đồng; tăng 11,834 tỷ đồng so với 31/12/2012, tỷ lệ tăng tưởng là 2,8%, đạt 100% kế họach dư nợ; số hộ còn dư nợ là 54.970 hộ, dư nợ bình quân 7,8 triệu đồng/hộ; số công trình nước sạch 7.208 công trình; công trình vệ sinh 7.201 công trình.

Để đạt được thành quả trên, NHCSXH tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm duy trì nề nếp hoạt động của các tổ giao dịch tại xã, phường, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, tiết giảm chi phí giao dịch của người vay, thực hiện công khai, dân chủ trong việc sử dụng vốn chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Tùng Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác