Tín dụng chính sách tại tỉnh Điện Biên đạt trên 1.330 tỷ đồng

21/02/2014
(VBSP News) Hơn 11 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Điện Biên với 8 Phòng giao dịch tại các huyện, thị xã cùng mạng lưới 112 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn đã tổ chức thực hiện hiệu quả 11 chương trình tín dụng ưu đãi, đến nay đã đạt tổng dư nợ trên 1.330 tỷ đồng, chiếm 19,8% tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh, tạo điều kiện giúp hàng chục nghìn hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, xóa nghèo để ổn định cuộc sống.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt của hội viên phụ nữ thị trấn Mường Chà mỗi năm xuất ra thị trường 5 - 7 tấn lợn hơi, lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng

Mô hình chăn nuôi lợn thịt của hội viên phụ nữ thị trấn Mường Chà mỗi năm xuất ra thị trường 5 - 7 tấn lợn hơi, lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng

Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, đông đảo hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn và các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác đã phối hợp triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ huyện Mường Chà đã phối hợp với NHCSXH củng cố kiện toàn hoạt động của 56 Tổ tiết kiệm và vay vốn; đứng ra tín chấp với NHCSXH huyện cho vay trên 47 tỷ đồng, với 2.003 hộ hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm. Với những đồng vốn vay được cùng những kiến thức đã học được, nhiều chị em đã mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình như mô hình đưa cây lúa, cây sắn trồng trên đất dốc ở thị trấn Mường Chà có 80 hội viên phụ nữ tham gia…

Chị Nguyễn Thị Minh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mường Chà cho biết: Nhằm đảm bảo vay vốn ưu đãi đúng mục đích và phát huy hiệu quả, Hội Phụ nữ đã chủ động phối hợp với NHCSXH huyện trong công tác rà soát, thẩm định nhu cầu vay vốn của chị em, hướng dẫn mọi người làm thủ tục vay vốn; tiến hành định kỳ kiểm tra, đôn đốc hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn.

Còn ở thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, NHCSXH đã phối hợp với Hội Phụ nữ và Hội CCB xây dựng 54 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 3 xã, phường với hơn 1.560 hộ được vay vốn ưu đãi của 7 chương trình tín dụng. Nguồn vốn ưu đãi đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách chủ động về nguồn tài chính đầu tư mở rộng sản xuất, tìm kiếm việc làm, tăng nguồn thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tính đến tháng 1/2014, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 46 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm 2013, trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo là 27,7 tỷ đồng, tiếp đến là chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn gần 4,4 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm trên 4 tỷ đồng… Đồng vốn ưu đãi cũng đã giúp hàng trăm HSSV có kinh phí theo học các trường đại học, cao đẳng ở các thành phố lớn.

Đơn cử như Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Ho Luông 1, xã Lay Nưa có 42 thành viên tham gia sinh hoạt. Trước đây, cuộc sống của đại bộ phận người dân trong bản rất khó khăn, nhưng từ khi có nguồn vốn chính sách hỗ trợ, hộ nghèo đã chăm lo phát triển chăn nuôi, thâm canh tăng vụ. Đến nay, nhiều hộ đã tăng nguồn thu nhập, thoát nghèo, một số hộ vươn lên khá giả.

Gia đình ông Phùng Văn Siêng, bản Ho Luông 1 năm 2010 được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đã đầu tư nuôi trâu sinh sản và đào ao nuôi cá trắm, chép. Nhờ cần cù lao động và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nên hiện nay tổng giá trị đàn gia súc và ao cá của nhà ông Hoạt có đến ngót 100 triệu đồng. Tương tự, hộ hội viên CCB Lò Văn Tắn, bản Ho Lang, xã Lay Nưa đã sử dụng vốn vay của NHCSXH nuôi cá giống, lợn thịt đạt tổng thu nhập 60 triệu đồng/năm. Ông Tắn chia sẻ: Nhiều hộ dân như gia đình tôi vay vốn chính sách và đã thoát nghèo đấy. Cán bộ tín dụng vùng cao tích cực lắm, bám dân, bám bản hướng dẫn cách làm, kiểm tra việc sử dụng vốn vay nên tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Hầu hết bà con làm ăn được, mùa màng bội thu, do đó: đã trả lãi, trả gốc đúng kỳ hạn, đầy đủ. Cứ đà này, chỉ vài ba năm nữa, nguồn vốn vay của NHCSXH góp phần làm cho số hộ nghèo nơi vùng núi cao sẽ giảm nhanh và trở nên giàu có, ấm no”.

Ông Trần Ngọc Nam - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên cho biết: Cùng với hoạt động tín dụng, các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở đã phối hợp với NHCSXH triển khai công tác vận động gửi tiền tiết kiệm thông qua 1.777 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hình thức gửi góp hàng tháng, tính đến nay đã có số dư tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng, từng bước tạo lập ý thức tiết kiệm cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời nâng cao kỹ năng hoạt động của Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác