Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

19/02/2014
(VBSP News) Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn, được đồng bào vui mừng đón nhận. Đến nay, đã có hàng trăm nghìn hộ gia đình dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế nhờ vốn vay từ Quyết định này.
Nhờ được vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 32, gia đình anh Đào Dinh Páo,  thôn Ràng Khoen, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã vươn lên thoát nghèo

Nhờ được vay vốn ưu đãi theo Quyết định số 32, gia đình anh Đào Dinh Páo,
thôn Ràng Khoen, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã vươn lên thoát nghèo

Đối tượng thụ hưởng chủ yếu từ chương trình tín dụng này là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đây là những đối tượng có trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán lạc hậu và rất lúng túng trong việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để xây dựng phương án sản xuất. Hầu hết lại sinh sống ở những địa bàn phức tạp, tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai lũ lụt nên rất khó để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Theo Quyết định 32, giai đoạn 2007 - 2010 đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn được vay 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0%. Khi mới triển khai, NHCSXH gặp rất nhiều khó khăn vì đồng bào dân tộc thiểu số không dám vay các nguồn vốn chính sách của Nhà nước, đồng bào nói vay cũng chẳng biết sử dụng vào việc gì cho hiệu quả kinh tế.

Với mô hình đặc thù cho vay ủy thác qua các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH đã cùng hệ thống chính trị ở các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền và hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng vốn vay hiệu quả. NHCSXH đã phối hợp với các hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn tập huấn, hướng dẫn cụ thể bà con cách thức làm ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả, bên cạnh đó thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn cam kết. Từ đó, đồng bào mới mạnh dạn vay vốn. Đến hết năm 2013, tổng dư nợ của chương trình đạt 545 tỷ đồng với 103.780 hộ được vay vốn.

Một niềm vui mới đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số là từ ngày 04/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015. Mức vay tối đa được nâng lên 8 triệu đồng/hộ, lãi suất ưu đãi 0,1%/tháng (1,2%/năm), thời hạn vay không quá 5 năm. Với Quyết định này đã tạo điều kiện cho các hộ vay có thêm nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho tất cả các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đều được thụ hưởng chính sách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, mức lãi suất thấp cũng góp phần xóa bỏ tư tưởng “cho không” để một số người có tâm lý ỷ lại, nhưng đồng thời vẫn thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước trong chính sách tín dụng.

Thực hiện chương trình này, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng năng suất, cây trồng vật nuôi như ở Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Lâm Đồng,… Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi là động lực thúc đẩy người dân bước đầu có ý thức tự chủ về kinh tế, làm quen với nền kinh tế thị trường, làm quen với hoạt động tín dụng có vay, có trả. Nâng cao trách nhiệm sử dụng vốn của hộ vay, hạn chế tư tưởng trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, giúp người dân từng bước cải thiện thu nhập và đời sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Đến nay, tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao và chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng. Nguyên nhân phần lớn là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng ít và khó canh tác, kinh tế chưa phát triển, việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương… Một nguyên nhân nữa làm cản trở công cuộc giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trình độ dân trí của bà con còn thấp. Người nghèo không nắm được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu, phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được vay vốn chính sách, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo.

Để công tác xóa nghèo thành công cho đồng bào các dân tộc thiểu số, cần tiếp tục thực hiện chính sách cho vay ưu đãi và nâng cao trình độ dân trí cho người dân, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm tăng nhận thức cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số về sử dụng vốn vay ưu đãi, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác