Nhiều hộ đồng bào DTTSĐBKK ở Vĩnh Phúc thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Nguồn vốn ưu đãi được tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện đã thực sự giúp cho hàng nghìn lượt hộ đồng bào DTTSĐBKK chủ động đầu tư sản xuất. Mặc dù, mức vay vốn hỗ trợ sản xuất này còn ít (5 triệu đồng/hộ) song với thời gian vay tới 5 năm và không phải trả lãi, nên các đối tượng thụ hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước có điều kiện đầu tư nhỏ cho chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Tại huyện Bình Xuyên thời gian qua đã có 104 hộ đồng bào DTTSĐBKK vay 520 triệu đồng. Qua điều tra, kết thúc giai đoạn I, đã có 92/104 hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay không tính lãi để phát triển sản xuất.
Sau 3 năm tái lập, NHCSXH huyện Sông Lô đã triển khai cho vay hộ đồng bào DTTSĐBKK, đến nay đã có 133 hộ được vay 665 triệu đồng, giúp 74/133 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Nhằm thực hiện chương trình hỗ trợ vay vốn này, NHCSXH huyện Sông Lô đã phối hợp với Ban Dân tộc và các ban, ngành tiến hành rà soát, thống kê các đối tượng được thụ hưởng, yêu cầu các xã thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, đảm bảo công khai dân chủ, đúng trình tự, đúng đối tượng. Các thôn, bản đã tổ chức thực hiện việc bình xét danh sách hộ đồng bào DTTSĐBKK cần vay vốn, được niêm yết tại nhà văn hóa thôn, UBND huyện tăng cường chỉ đạo NHCSXH thực hiện cho vay đối với những hộ trong danh sách được phê duyệt, phối hợp với các hội, đoàn thể, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hướng dẫn bà con nhân dân làm thủ tục vay vốn.
Xã Quảng Yên nằm ở vùng sâu thuộc huyện Sông Lô có gần 2.000 người là dân tộc Cao Lan, trong đó có nhiều hộ được vay vốn chương trình hỗ trợ sản xuất đối với đồng bào DTTSĐBKK. Gia đình anh Trần Văn Chiến ở thôn Xóm Mới đã được vay 5 triệu đồng với lãi suất 0% từ năm 2008, cộng thêm 2 triệu đồng dành dụm được đã mua 1 con trâu trị giá 7 triệu đồng. Nuôi trâu được 2 năm, anh đem bán được 16 triệu đồng, với khoản tiền kha khá ấy, anh Chiến liền mua thêm 2 con trâu về nuôi vỗ béo, nay có giá khoảng 40 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình được cải thiện đáng kể.
Còn bà Trần Thị Quán ở thôn Núi cho biết: “Gia đình tôi được vay 5 triệu đồng từ năm 2011 để mua trâu về nuôi. Nếu như năm 2008, 1 con trâu chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng thì năm nay là 12 triệu đồng, nên sức vay được nâng lên cao hơn thì sẽ đỡ khó khăn để đầu tư cho trồng trọt, chăn nuôi”. Hiện, con trâu của gia đình bà Quán có giá 40 triệu đồng và đã sinh 1 con nghé. Đây là tài sản vô cùng lớn của những hộ đồng bào DTTSĐBKK và hiệu quả nhất đối với chương trình đem lại. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế mức vay của chương trình đã được điều chỉnh từ 5 lên 8 triệu đồng/hộ nhưng so với thị trường thì vẫn còn thấp, thiết nghĩ việc đề xuất của các hộ và địa phương có đồng bào DTTSĐBKK cần được cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét, lựa chọn một mức vay phù hợp nhất với tình hình thực tế.
Năm 2014, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với Ban Dân tộc cho vay giai đoạn II cho các hộ đồng bào DTTSĐBKK vay vốn theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2017) với mức vay được điều chỉnh là 8 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,1%/tháng (1,2% năm). Đây là tin vui đến với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Bài và ảnh Nguyễn Đông
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng hành cùng nông dân
- » Bình Định: Tín dụng ưu đãi góp phần xóa nghèo bền vững
- » Lạng Sơn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Đưa vốn chính sách lên miền núi
- » Tín hiệu vui từ “trang trại việc làm”
- » Năm 2014, NHCSXH tỉnh Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng từ 5 - 7%
- » Chắp cánh những ước mơ
- » Để Yên Bái giảm nghèo bền vững
- » Cùng chung xây dựng cuộc sống mới
- » Vốn tín dụng chính sách giúp thanh niên dân tộc thoát nghèo