Vốn tín dụng chính sách giúp thanh niên dân tộc thoát nghèo
Từ khi triển khai thực hiện nguồn vốn uỷ thác với NHCSXH, hằng năm thanh niên các huyện, thị trấn trên địa bàn vùng bắc Tây Nguyên này đã có kế hoạch vay vốn; các đối tượng vay vốn cũng được lựa chọn kỹ nhằm phát huy hiệu quả và bảo đảm an toàn cho nguồn vốn chính sách. Hầu hết các đơn vị thuộc Tỉnh đoàn đã phân công cán bộ chuyên trách thường xuyên theo dõi, đôn đốc và quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay. Đồng thời, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tại các tổ chức Đoàn ở cơ sở theo từng quý, từng tháng. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm sau cao hơn năm trước. Tính đến hết năm 2013, tổng dư nợ của Đoàn Thanh niên với NHCSXH tỉnh Gia Lai đạt hơn 220 tỷ đồng, với 13.000 hộ thanh niên còn dư nợ. Nhiều Xã đoàn đã có cách làm hay nên đã thu hút được nguồn vốn chính sách, tạo điều kiện giúp thanh niên phát triển kinh tế. Nhờ có sức trẻ, nhiều thanh niên được sự hỗ trợ, đồng hành của NHCSXH đã xây dựng được những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm cho đời sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Anh Rơ Mah Thom ở làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai là một trong những thanh niên đầu tiên của làng quê xa xôi được vay tiền của NHCSXH để làm ăn. “Đất đai mình còn nhiều, mình lại có sức khoẻ, được Đoàn Thanh niên tín chấp với NHCSXH tạo điều kiện cho tôi vay vốn chính sách, sợ gì mà không vay, không làm kinh tế chứ”. Nghĩ vậy, Thom đã làm đơn xin vay 5 triệu đồng xây chuồng nuôi heo và mua 10 con heo nhỏ về nuôi. Lứa heo đầu tiên đã thắng lớn, anh bán được hơn 20 triệu đồng.
Chị Đình Thị Ngak, dân tộc Ba Nar ở làng Thông Nha, huyện Đăk Pó được Đoàn Thanh niên xã Hà Tâm đứng ra tín chấp vay vốn ưu đãi của NHCSXH phát triển kinh tế. Từ 15 triệu đồng vay được, chị mua bò để chăn thả, mua thêm phân bón chăm sóc vườn cà phê. Nhờ cần cù lao động, học hỏi tham quan kinh nghiệm trong làng, ngoài nông trường của huyện, đến nay chị Ngak đã có 3 con bò laisind và 500 gốc cà phê, 200 cây sầu riêng tươi tốt, thu nhập hằng năm được hơn 100 triệu đồng.
Biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Rở Sonr Minh ở xã Ia Đệt, huyện Ia Grai một mình làm phụ hồ nuôi vợ con, Đoàn xã đã giúp anh tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Tháng 3/2013, anh Sonr Minh được vay 20 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo và mua 40 gốc tiêu về trồng. Anh Minh cho biết: “Số tiền vay được đã tạo động lực cho gia đình tôi phát triển kinh tế. Tôi cũng đang tích cóp để mua thêm gà về nuôi nhằm tăng thêm thu nhập, thoát hẳn nghèo khó cho gia đình”.
Những tấm gương thanh niên dân tộc ở Gia Lai về sử dụng vốn vay ưu đãi để vượt khó làm giàu đã minh chứng rằng: cùng với sự hỗ trợ của NHCSXH và Đoàn Thanh niên, bài học thoát nghèo ở đây là phải dựa vào chính sự nỗ lực của bản thân, không chùn bước trước khó khăn vất vả. Bên cạnh đó, mọi người cần phân tích, tìm ra cách sử dụng đồng vốn vay và đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất một cách thiết thực, hiệu quả.
Thanh Hằng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Góp phần thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo
- » Tự tin thoát nghèo bền vững
- » Nước sạch đã về với người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương
- » Chuyển biến mới ở Hậu Giang
- » Tín dụng HSSV mở đường cho nữ sinh nghèo
- » Nam Định với chương trình cho hộ nghèo vay làm nhà ở
- » Nhà mới, phố mới cho cộng đồng nghèo nông thôn
- » “Chiếc cần câu” bắc cầu no ấm
- » Vượt khó trên vùng đầm phá
- » Giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo